“FIFA World Cup 2022,” Giải Vô Địch Bóng Đá Thế Giới lần thứ 22 đang diễn ra tại Qatar, vùng đất của thế giới Ả Rập và Hồi Giáo. Những rộn ràng sôi nổi của bạn bè xung quanh, toàn là người hâm mộ môn túc cầu, những trận đấu trực tiếp trên TV Mỹ, và những bảng kết quả từ các trận đấu được các đài truyền hình Mỹ Việt, báo chí khắp nơi loan tải từng ngày, từng giờ, đã đưa Uyên trở về với tuổi thơ, về những kỷ niệm xưa, và về cái thuở người dân miền Nam khắp nơi ham mê môn bóng tròn.
Năm 14 tuổi, con bé Uyên được bà ngoại dẫn đi thăm Thủ Đô Sài Gòn lần đầu tiên. Ngoại có sạp vải lớn ở ngôi chợ chính trong quận, nên bà thường vào Sài Gòn lấy hàng, nhân tiện thăm cậu Út. Cậu Út của Uyên sau khi thi đậu Tú Tài, nhờ giỏi Anh Văn nên cậu được một công ty xăng dầu Mỹ thuê làm tại Sài Gòn với mức lương thật cao, thế là cậu đi làm chứ không lên đại học. Ông ngoại Uyên đã giận và buồn cậu hết một thời gian vì chuyện này.
Ba mất khi Uyên mới lên 5, mẹ đem Uyên về cất nhà ở gần bên ông bà ngoại, nên con bé được các cậu thương yêu thật nhiều, bù đắp cho sự thiếu vắng của Ba. Ngoại con đông, mười người cả dì lẫn cậu. Nhưng Uyên gần gũi nhất với cậu Út, vì cậu chỉ hơn Uyên 8 tuổi, còn các cậu khác thì tuổi cách rất xa. Ông bà ngoại và người trong nhà nói vì hạp tuổi nên hai cậu cháu mới thân nhau như vậy.
Uyên thường theo chơi với cậu Út và đám bạn cậu trong làng. Con bé tham gia cùng cậu những trò chơi con trai, như bắn bi, đánh vụ, bắn ná cao su, tạt lon, và đặc biệt là cũng rất mê coi đá banh như cậu Út. Chiều chiều sau khi tan học, cậu thường ôm banh ra ngả ba hàng tre phía sau nhà ngoại rồi kêu bọn con trai trong xóm đá cùng.
Thời đó, vào khoảng thập niên 60s, phong trào chơi bóng tròn, thường gọi là đá banh, ở Việt Nam thịnh lắm. Từ thành thị đến thôn quê, từ trường học đến nhà dân, đâu đâu trẻ con cũng nô nức chơi đùa với trái banh. Người dân khắp miền Nam đều say mê theo dõi mỗi khi có những trận đấu bóng tròn, còn gọi là túc cầu, (chứ không gọi bóng đá như hiện tại) dù là trận đấu giữa các đội tuyển trong nước hay quốc tế.
Mỗi lần trận túc cầu quan trọng diễn ra, nhà ông ngoại luôn có bà con trong làng tới ngồi đầy sân. Các cậu mở Radio lên, mọi người xúm quanh nghe ký giả tường thuật viên “huyền thoại” Huyền Vũ của Đài Phát Thanh Sài Gòn, trực tiếp truyền thanh tại chỗ. Ông tường thuật hầu hết những trận đá banh lớn quốc gia và các trận thi đấu quốc tế. Mỗi khi tiếng của Huyền Vũ la lên, “Dzô! Dzô!” càng to thì tiếng la hét, tiếng vỗ tay, tiếng gõ thùng thiếc, của các cậu Uyên và những thanh thiếu niên trong làng càng lớn, càng ầm ỹ. Nhưng nếu Huyền Vũ hét lên, “... Không dzô!” thì họ quăng thùng, đá ghế, vò đầu, bứt tai... Có lần, cậu Út hắt nguyên một thau bắp rang trộn mắm nêm với ớt của bà ngoại ra vườn chuối, khi đội cậu ủng hộ để thua một quả phạt đền cho một đội nào đó Uyên không còn nhớ.
Người ta mê thích đá banh đến nỗi ngay cả trẻ con cũng nhớ tên các danh thủ như Tam Lang, Văn Rạng, Thới Vinh, và những cầu thủ khác... vì tường thuật viên Huyền Vũ nhắc đi nhắc lại thật sôi nổi, hào hứng, và hấp dẫn vô cùng từng đường banh đẹp, cú sút tóe lửa, ánh mắt lanh lẹ, cái bặm môi quyết liệt, đến cú xoay mình, móc chân cướp banh thật tuyệt vời của từng cầu thủ trong những trận đấu. Trẻ con hầu như thuộc nằm lòng những câu hò hét thật và to rộn ràng của Huyền Vũ như, “Sút! Sút!” “Dzô! Dzô!... . Không Dzô!” và chúng cũng bắt chước hét to lên như thế mỗi khi chơi đá banh với nhau ở làng bằng những trái banh nhựa.
Nhưng có được một trái banh nhựa cũng là ước mơ to lớn của những “ông nhóc” ở làng quê Uyên ngày đó. Nhờ ngoại thường đi lấy hàng, ra vô Sài gòn liên tục, nên cậu Út mới có trái banh nhựa cùng kích cùng cỡ với trái banh da để chơi với bạn bè. Nhiều đứa trẻ không có banh chơi, chúng tự làm những trái banh bằng cách cuộn những tàu lá chuối khô, rồi quấn dây xung quanh cho tròn lại, làm thành trái banh để đá. Uyên khi ấy chỉ là một con nhóc nên dù cũng bắt chước thích banh như ông cậu nhưng đâu biết đá, biết luật lệ chơi banh là gì. Khi đám “cậu người lớn” chơi, con bé chỉ đứng ngoài chầu rìa để coi cùng mấy tụi nhóc khác, và vỗ tay reo hò mỗi lần banh lọt vào cái lưới làm bằng mấy tàu lá chuối căng trên những sợi dây chuối cột ngang qua từ hai cây tre bên này qua bên kia đường.
Bé Uyên được “ưu tiên” phân công đi lượm banh, điều mà những đứa trẻ khác rất mong làm, nhưng không ai cho, vì banh của cậu Út thì cậu toàn quyền chỉ định ai đi nhặt. Khi nào cậu Út hay mấy anh lớn đá banh ra ngoài thì Uyên chạy đi lượm về. Mỗi lần chạy lượm banh bé thích lắm, vừa hào hứng nhảy loi choi, vừa đá vừa dẫn banh về phía cậu Út. Khổ nhất là những khi banh văng xa, lọt thỏm vào chòm tre gai, là loại tre cây nhỏ thân đầy gai, nhưng rất dẻo dai và bền chắc. Tre gai thường được người dân quê dùng làm những thanh sườn vách khi cất nhà, và chẻ lạt để cột trước khi trét đất sét trộn rơm lên, cho nên mới gọi là “nhà tranh vách đất” và người ta còn chẻ vót nan tre gai để đan rổ, đan thúng. Bụi tre gai sau nhà ngoại gần chỗ nhóm cậu Út chơi banh chi chít gai là gai rậm rịt, nhưng Uyên không bao giờ chịu thua, mỗi lần banh lọt vô đó thì cố chui đầu vào để khều ra, có khi bị gai cào trầy sướt cả mặt mũi. Vậy mà con nhóc hãnh diện lắm, vênh vênh cái mặt với nước mũi nước dãi lòng thòng, tóc tai bù xù lên khi mang được trái banh về cho cậu. Cứ vậy Uyên lớn lên tính cách lúc nào cũng sôi động như con trai.
Nhưng từ ngày cậu Út đi Sài Gòn học và thi Tú Tài rồi ở luôn trong đó làm việc, Uyên thiếu người để đi theo “phò tá” chơi chung và kèm học. Nhất là những khi có bài toán hóc búa không người chỉ giúp, nhưng lại không dám nhờ mấy cậu lớn, Uyên nhớ cậu Út vô cùng. Mấy năm trôi qua, con bé lớn thêm với khá nhiều hiểu biết, tính tình thay đổi thùy mị hơn, nhờ được đọc rất nhiều sách trong dãy tủ sách to đùng của ông cậu lớn. Mảnh tâm hồn bé con lúc này đã bắt đầu biết cảm xúc, biết mơ mộng con gái, và còn biết làm những câu thơ mực tím. Nên khi bà ngoại hứa cho đi Sài Gòn chơi thăm cậu Út - đúng ra là ngoại đi “coi mắt” vợ tương lai của cậu Út - thì Uyên mừng vui đến mấy đêm liền không ngủ.
Đó là lần đầu tiên con bé nhà quê được rời làng và tận hưởng cái thú đi tàu lửa. Lên tàu, trong khi ngoại và những người xung quanh lim dim ngủ gà ngủ gật, Uyên cứ ngoái cổ giương mắt ngắm nhìn cảnh vật hai bên. Tiếng động cơ xình xịch, xoành xoạch, trong khi con tàu lướt vùn vụt qua những cánh đồng lúa xanh kịn mượt mà vùng Phú Lâm dọc theo Quốc Lộ I, rồi băng ngang dòng sông Bàn Thạch êm đềm, đến những cái hầm tối đen xuyên qua núi trên đèo Cả, đèo Rù Rì, những đám ruộng muối trắng ngần vùng Phan Rang Phan Thiết, và rồi tới những vườn cây ăn trái um tùm khi tàu vào Biên Hòa, gần đến Sài Gòn.
Uyên thích nhất là mỗi khi tàu tới trạm. Tàu vừa ngừng, từng đoàn người bán hàng rong lớn nhỏ chen nhau lên tàu, lấn lướt cả hành khách lên xuống. Một tay túm lấy trụ cửa thành tàu, tay kia bưng thúng, rổ, họ phóng nhanh chuyên nghiệp như những con sóc, lên tàu mời mọc râm rang. Thức ăn, bánh kẹo, trái cây... tùy theo vùng nào thức nấy. Đã hơn nửa thế kỷ rồi, nhưng những tiếng rao lanh lảnh giữa goong tàu đông nghẹt người như còn vang vọng bên tai Uyên. Nem chua Ninh Hòa, bánh mì chả lụa Nha Trang, trứng gà luộc, bánh rán Cam Ranh, ghẹ luộc cua luộc Phan Rang, Phan Thiết... đặc biệt là những trái bưởi Biên Hòa được lột vỏ, khoe mình tròn trĩnh từng xâu màu hồng ửng, nhìn bắt mắt vô cùng.
Đó là những năm tháng hiếm hoi người dân miền Trung của Uyên còn được hưởng sự an lạc thái bình, vì sau đó thì chiến tranh sôi động, tràn lan khắp các miền quê. Và đó cũng là lần cuối cùng Uyên được thong thả đi chơi xa, xuất phát từ nơi chôn nhau cắt rốn.
Khi tàu đến nơi, cậu Út đón ngoại và Uyên tại nhà ga Sài Gòn gần chợ Bến Thành. Giờ Uyên mới chứng kiến tận mắt, “Sài Gòn hoa lệ” là đây, “Hòn Ngọc Viễn Đông” là đây, “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” là thế đó. Nhà cậu Út thuê ở Quận 1 nên phố xá sầm uất náo nhiệt cả ngày lẫn đêm. Mỗi lần đi băng qua đường Uyên nắm chặt tay cậu mà vẫn run như cầy sấy, vì dòng xe cộ ào ào lại qua như mắc cửi. Cậu Út rất vui mừng vì lần này ngoại dắt bé Uyên theo. Ký đầu Uyên mấy cái, cậu nói đã xin nghỉ thêm vài ngày, cộng với mấy ngày cuối tuần để đưa ngoại và Uyên đi chơi cho biết hết Sài Gòn trước khi xuống Cần Thơ thăm nhà cô Kim Nhung bạn gái cậu theo như lời hẹn.
Uyên cũng ríu rít kể cậu Út nghe, “sân banh” sau ngả ba hàng tre nhà ngoại lâu rồi vắng hoe vì không còn ai chơi đá banh nữa. Những ông bạn của cậu cũng đi đâu mất tiêu hết, còn bạn cháu toàn con gái nên chỉ chơi đá kiện, nhảy dây, mà thôi. Cậu cười nói, chuyện thời trẻ nhỏ xưa rồi, bây giờ ở trong này cậu coi thi đấu đá banh thường xuyên vì em của bạn cậu là một cầu thủ, nên trận nào cậu cũng đều biết và đi coi cùng bạn cậu. Cậu Út còn hứa cuối tuần cậu sẽ dẫn Uyên đi xem trận đấu tập dợt giữa hai đội tuyển để chuẩn bị thi đấu trước khi về. Uyên nghe mà mừng quýnh đến nhảy cẩn lên, thích thú vô cùng.
Những ngày sau đó, cậu Út đưa Uyên và ngoại đi chơi, thăm viếng khắp nơi ăn uống xả láng mà không hề sợ tốn kém. Chỉ trong mấy năm xa nhà, ông cậu trẻ gốc chân quê của Uyên nhờ làm lương cao mà lại tiết kiệm ít xài, nên có khá tiền dư. Cậu đem đi mua vàng hết, vì thời đó giá vàng rất rẻ. Ngoại đã giật mình tròn mắt khi cậu Út đưa cho ngoại coi cái hộp bánh bích quy, trong đó sắp đầy kín những thẻ vàng lá 24 cara. “Con mua vàng này để dành mai mốt cưới vợ cho má khỏi tốn kém” - Cậu nói với ngoại kèm theo nụ cười toét miệng trong ngày đưa bà cháu Uyên về - “vì nhà mẹ Nhung thuộc loại khá giả, mình không nên để họ xem thường.” Thì ra cậu tiết kiệm là để cưới cô Nhung. Uyên nghĩ thầm, mãnh lực tình yêu của cậu cũng lớn quá. Thế là ngày trên đường về ngoại ôm khư khư cái hộp bánh trong lòng, ngụy trang bên ngoài bằng cái giỏ lát cũ mèm của ngoại. Và khi về lại nhà, nhân lúc ông đi ra ruộng coi người gieo lúa, ngoại đem chiếc ghế thật cao cho Uyên trèo lên trên đầu cái tủ đứng lớn, cao tận nóc nhà, rồi bảo Uyên nhét hộp vàng vào sát bên trong cái mái chái lợp ngói. Và ngoại dặn Uyên đừng nói cho bất cứ ai hay, kể cả ông ngoại. Uyên đã vâng lời bà ngoại giữ mãi cái bí mật này, cả mẹ Uyên cũng không nói, rồi quên luôn. Mãi cho đến sau khi bà ngoại mất, cậu Út đã có mấy đứa con Uyên mới nhớ lại và kể cho mẹ nghe chuyện cái hộp vàng của cậu ngày trước.
Khi cậu Út dẫn đi thăm Vườn Tao Đàn Sài Gòn, Uyên có cảm giác như lạc vào cõi thiên thai. Công viên mênh mông với hoa lá cỏ cây xinh đẹp, cùng những trò chơi, dụng cụ thể dục, xích đu, cho trẻ con. Tại Sở Thú, con bé chăm chú quan sát từ cái chuồng cọp cho tới đàn voi, hưu nai, đám khỉ, rồi bầy chim đủ loại... Cậu cho Uyên hơn nửa ngày, đưa bé đi dạo khắp các “hang cùng ngõ hẻm” trong sở thú. Lần đầu tiên nhà quê lên tỉnh, nói đúng hơn là về Thủ Đô, Uyên theo cậu và ngoại đi dạo mua sắm trên đường Tự Do sầm uất, toàn là nhà lầu cao, cửa hàng lớn, đồ đẹp. Uyên đã ngước cổ ngắm đến vẹo cả ót ngôi nhà thờ Đức Bà với tháp chuông uy nghi. Khi đến chơi chỗ tháp nước Hồ Con Rùa trên đường Duy Tân thì càng tỏ ra vô cùng thích thú và đòi cậu kêu người thợ chụp hình dạo chụp cho bé một tấm hình. Nhà cậu Út gần chợ Bến Thành, chỉ đi bộ một hồi là tới. Trước khi mua thức ăn về nấu cho cả nhà, Uyên và ngoại còn ngồi ăn hàng ở chợ Bến Thành. Đó là điều tuyệt vời nhất mà Uyên nhớ mãi về sau khi lớn lên, nhất là mỗi lần Uyên đi Sài Gòn. Những sạp hàng bún, hàng bánh, hàng cháo, vì ăn nhiều lần, nhiều thứ quá nên Uyên không còn nhớ rõ khi đó ngoại cho ăn những món gì, chỉ nhớ thức ăn bán ở chợ Bến Thành ngon ơi là ngon.
Tuy là sau 1975 Uyên cũng thường ra vô Sài Gòn và trở lại nhiều lần dạo chợ Bến Thành, nhưng chỉ còn là nỗi nhớ vì ngoại đã mất trước khi miền Nam lọt vào tay miền Bắc. Vì người buồn thì cảnh có vui đâu, nên Uyên không còn cái cảm giác thích thú ngưỡng mộ như là lần đầu tiên đến Thủ Đô. Cũng có lẽ vì sự thay chủ đổi ngôi của những sạp hàng, những cửa hiệu, và sự lạ lẫm của những cái tên đường, những địa danh quen thuộc, kể cả tên Thủ Đô Sài Gòn cũng đã bị thay đổi. Cho đến ngày Uyên đi Mỹ định cư thì Thành Phố Sài Gòn xưa chỉ còn trong ký ức. Nhớ lại thật buồn, cái giây phút dẫn mấy đứa con lên tàu từ biệt quê hương, vĩnh viễn rời xa miền đất Tổ mến yêu, mà lúc máy bay cất cánh Uyên lại có cái cảm giác như mình vừa cất đi một gánh nặng nghìn cân trên đôi vai bé nhỏ...
Sau khi đi chơi khắp những danh lam thắng cảnh của Sài Gòn, cậu Út đưa ngoại và Uyên xuống Cần Thơ thăm nhà cô Kim Nhung để giới thiệu bà ngoại với gia đình cô ấy. Trên đường xuống Cần Thơ, Uyên lại càng ngạc nhiên, càng lạ lẫm, lẫn thú vị. Xe đò từ Sài Gòn chạy đến bắc Mỹ Thuận thì ngừng, mọi hành khách đều phải xuống xe đi bộ lên phà. Xe cũng chạy xuống phà để được chở qua bên kia sông, và mọi người lại leo lên cho xe chạy tiếp. Trên đường đi còn một cái bắc nữa phải qua, là bắc Cần Thơ. Đến bây giờ, Uyên chỉ còn nhớ mang máng chứ không thể hình dung ra bắc Cần Thơ có những gì, nhưng bắc Mỹ Thuận thì Uyên nhớ rất rõ, vì sự đông đảo, vì có nhiều người buôn kẻ bán đủ thứ hàng ở hai đầu bến bắc. Nhiều nhất là trái cây được bán nơi bắc Mỹ Thuận. Uyên còn nhớ khi đó ngoại vì mãi mê chọn lựa mua vú sữa nên xém chút bị trễ phà. Ngoại thấy vú sữa trái lớn, màu sắc tím tươi đẹp nên mua thêm để đem tặng cho nhà cô Kim Nhung, dù cậu Út đã mua những hộp bánh Tây và rượu ngoại để mang theo.
Lại còn một điều mới mẻ cho Uyên, khá bất ngờ khi đến Cần Thơ được đi xe lôi. Con bé có cảm giác mắc cười khi ngồi chông chênh trên “cái hộp” đàng sau và để chiếc xe mô tô đời cũ kỹ máy nổ ầm ầm “lôi” chạy ào ào. Nhiều khi xe chạy nhanh quá làm cả người hành khách muốn bật ngửa ra đàng sau. Nếu tài xế thắng gấp thì mọi người bị chúi mũi xuống, nên mới đầu Uyên phải bám thật chặt vào thành xe, những lần sau quen dần mới dám thả lỏng tay. Đi xe lôi cũng thật là thú vị, nhưng Uyên thấy so với ở Sài Gòn đi xích lô máy thì dễ chịu hơn nhiều.
Khi cậu Út và Uyên khệ nệ mang các thứ vào nhà, mẹ cô Kim Nhung ra tận cửa chào đón. Bà dáng người hơi phốp pháp, nhìn rất hiền thục và quý phái trong chiếc áo bà ba màu mỡ gà quần trắng. Nhìn thấy giỏ vú sữa thì bà cười xởi lởi nói với ngoại và cậu Út:
“Mèn ơi! dzườn nhà có gất nhiều dzú sữa, chị dzà cháo mua mần chi mang đi cho cực dzì nè!”
Lần đầu tiên Uyên nghe giọng nói miền Tây thiệt là lạ lẫm nên cứ giương mắt lên mà nhìn. Cô Kim Nhung đẹp lắm, da trắng, tóc dài, mắt to, và dáng cô rất cao, thật xứng đôi với cậu Út đẹp trai của Uyên. Cô mặc chiếc áo đầm hoa màu hồng phấn, để lộ đôi chân trắng hồng trên đôi dép mỏng nhìn thật dễ thương. Uyên để ý thấy cậu Út cứ len lén nhìn cô Nhung và cười, còn cô luôn ửng hồng đôi má. Thấy thế nhớ lại chuyện của ông ngoại ở ngoài nhà, Uyên thương họ vô cùng.
Chuyện tình của cô Kim Nhung và cậu Út đến được bước này họ đã trải qua rất nhiều trở ngại. Ông ngoại Uyên ngày trước làm Hương Chức, nên ông còn giữ máu “quan quyền” trong nhà, ông rất nghiêm và dữ. Mỗi khi ông “phán” điều gì là con cháu phải răm rắp nghe theo. Các cậu dì dù lớn, nếu không nghe lời ông bắt nằm xuống quất bằng roi mây. Con cháu ai cũng sợ ông một phép, chỉ có bà ngoại là hiền từ thương con thương cháu hết lòng. Với suy nghĩ môn đăng hộ đối, ông đã ngắm nghé một chỗ cho cậu ở quê, là con gái của một dòng tộc cân xứng với ông. Cô gái đó cũng xinh xắn và ông bắt buột cậu phải về quê cưới vợ. Tuy ông chưa hề gặp mặt và biết người thương của cậu ở nơi nào trong miền Nam, nhưng nghe nói ở Thành Phố Cần Thơ thì ông phản đối. Ông nói con gái thành phố chỉ biết ăn chơi, không đảm đang như con gái quê mình, làm sao mà trông nom ruộng vườn nhà cửa chứ. Nên ông nhất quyết không chịu và cậu Út thì cũng nhất quyết không về quê cưới vợ. Bà ngoại can gián ông không được bèn tính kế làm liều.
Chuyến đi “coi mắt” con dâu này của bà ngoại không được sự đồng ý của ông. Bà ngoại rất hiền nhưng là một nhà buôn đi đó đi đây nên bà cũng cương quyết lắm. Thương cậu Út, ngoại nói để bà vào gặp cô ấy xem sao, nếu thấy được bà sẽ đến Cần Thơ lần nữa để chứng hôn cho cậu cưới vợ rồi ở luôn trong Sài Gòn, khỏi cần về quê thì ông làm sao nói được. Mấy ngày ở nhà cậu, Uyên thấy trên bàn cậu có mấy lá thư cô Kim Nhung từ Cần Thơ gửi lên, thư đã mở nên Uyên tò mò lén đọc. Cô viết cho cậu những lời lẽ tràn đầy yêu thương, nhưng cũng đau khổ đầy nước mắt, như là nếu không cưới nhau được thì cô sẽ... nhảy xuống bến Ninh Kiều. Bên cạnh hai chữ “Yêu anh” cuối thư là dấu in của vết môi son đỏ chót. Vẫn còn là con nít, nhưng không hiểu sao Uyên bị lá thư tình lâm ly đó làm cho cảm động, và chợt nảy ra ý định muốn giúp cho hai người. Nhân một lần cậu đi ra ngoài con bé bèn lấy thư cô Kim Nhung đọc cho ngoại nghe, bà thương cô đến rơi nước mắt, nên nói nhất định bà phải cưới cô cho cậu.
Mẹ cô Kim Nhung có vẻ không hay biết gì về chuyện này. Hình như cô không nói cho mẹ biết là ông ngoại Uyên từ khước mối nhân duyên ấy. Cho nên bà mẹ rất vui vẻ, niềm nỡ tiếp đón khách bằng cả tấm chân tình và với sự hiếu khách của người miền Tây chơn chất.
Nhà cô Kim Nhung thuộc diện rất khá giả, nhà lớn nên có nhiều phòng cho khách. Sau khi xong việc chào hỏi, mọi người được hướng dẫn vào phòng ngủ cất đồ đạt, rồi đi rửa mặt, thay hết quần áo bụi đường. Cô Kim Nhung đưa cậu và Uyên ra vườn hái thêm trái cây để ăn tráng miệng, còn hai bà mẹ ngồi lại nói chuyện với nhau.
Đúng là vườn nhà cô Nhung đủ loại cây trái sum suê, xoài, mít, cam, nhất là những cây vú sữa trái màu tím mọng còn to hơn vú sữa ngoại mua nữa. Uyên thích nhất là cây chùm ruột ngọt, trái sai líu đíu chùm chùm dày đặt cả cây. Con bé mãi mê bứt xuống rất nhiều chùm trái mọng chín vàng, trong khi cô Kim Nhung tíu tít cùng cậu Út bên cây cam chỉ trỏ nhau hái những trái chín. Hai người trông thật hạnh phúc.