Biểu tình gần sứ quán Trung Quốc ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 14/02/2012, đòi Bắc Kinh không trả người tị nạn về Bắc Triều Tiên
REUTERS/Kim Hong-JiTrước nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, ngày 23/10/2013, nhiều nhân chứng Bắc Triều Tiên kể lại thảm cảnh họ đã trải qua khi tìm cách vượt biên. Hai người trong số đó hiện sinh sống tại Luân Đôn, Anh Quốc. Ủy ban Liên Hiệp Quốc điều tra về các hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ Bình Nhưỡng tiến hành các cuộc điều tra tương tự tại Seoul và Tokyo.
Nhân chứng thứ nhất được AFP trích dẫn là Jihyunan Park, một phụ nữ khoảng 30 tuổi. Năm 1998 bà đã vượt biên qua ngả Trung Quốc với tư cách là « vợ » của một doanh nhân người Hoa. Bà kể lại, lời đầu tiên doanh nhân này nói với bà, là ông ta và gia đình có toàn quyền xử lý trường hợp của bà, do bà Park đã ở trong tay ông ta. Bà Jihyunan Park khi đó đang mang thai. Bà đã đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên, sau khi người em trai bà phục vụ trong quân đội đã bị lôi thôi với chính quyền.
Ít lâu sau, bà Jihyunan Park hay tin ông chồng người Trung Quốc trên giấy tờ của bà đang thương lượng để bán đứa con trai nhỏ bà mới sinh. Rồi sau đó, công dân Bắc Triều Tiên này đã bị trục xuất về nước và bị đưa vào một trại tập trung. Con trai bà bị giữ lại Trung Quốc. Một khi trở về Bắc Triều Tiên, bà Park lại tìm đường thoát thân. Bà đã trở lại Trung Quốc và tìm lại được đứa con trai, rồi sau đó đã trốn sang Anh Quốc và đang làm đơn xin vào quốc tịch Anh.
Nhân chứng thứ nhì là ông Song Ju Kim. Sau bốn lần tìm cách vượt biên, ông mới đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên. Ông trình bày với nhân viên Liên Hiệp Quốc, ông đơn giản phải ra đi vì « không còn gì để ăn ». Trong những năm 1990, cả trăm ngàn người dân Bắc Triều Tiên chết đói và cho tới nay, vẫn còn có cả triệu người cần được trợ cấp lương thực.
Ông Song Ju Kim kể lại lần đầu tiên ông đã bơi qua con sông Tumen để đến Trung Quốc, nhưng đã bị lính Trung Quốc phát hiện và trao trả lại cho chính quyền Bắc Triều Tiên. Bị nhốt vào trại lao cải, ông đã bị « đánh đập dã man » và bị bắt phải tìm trong phân các tù nhân khác xem họ có nuốt tiền bạc, của cải gì không trước khi tìm được cách vượt biên ra nước ngoài.
Trong mắt các cai ngục của nhà tù Bắc Triều Tiên, thì những tù nhân không hơn không kém là « những con thú ». Trong lần thứ tư vượt biên sang Trung Quốc, ông Song đã gặp may mắn và được các nhà truyền giáo giúp đỗ, để đến được Anh Quốc.
Cũng trong khuôn khổ cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc đang được tiến hành tại Luân Đôn, hai nhân chứng Bắc Triều Tiên khác từng phục vụ trong quân đội kể lại là các sĩ quan đã nhắm mắt làm ngơ trước cảnh lính tịch thu lương thực được viện trợ cho người dân xứ này. Một người lính Bắc Triều Tiên, 41 tuổi, đã đào ngũ.
Bình Nhưỡng luôn từ chối để cho phái đoàn của Liên Hiệp Quốc đến hiện truờng điều tra về tình trạng nhân quyền tại quốc gia này. Ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc trên nguyên tắc sẽ trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc báo cáo vào tháng 3/2014.
Theo RFI