Trước tiên, người viết xin điểm qua vài nét về thơ Đường luật.
Thơ Đường hay Đường thi là thơ được sáng tác vào thời nhà Đường (618-907). Cách gọi đúng nhứt là thơ Luật
hay thơ Đường luật. Hàn Thuyên – tên thật Nguyễn Thuyên (1229-?) – là người đầu tiên đưa tiếng Việt vào thơ
văn, đặt ra thể thơ Hàn luật vào thời Trần Nhân Tông (1258-1308). Như vậy, thơ Hàn luật là thơ Nôm (tiếng Việt)
theo luật Đường. Về sau người ta còn gọi là Thơ Đường Việt Nam, tức là thơ Việt Nam sử dụng thể loại thất ngôn
bát cú của đời Đường.
Một bài thơ Đường luật phải đáp ứng được các yêu cầu về luật bằng trắc, niêm vận, cấu trúc và luật đối xứng của
bài thơ. Ở đây, tôi muốn nói đến thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú.
Luật bằng trắc gồm có Thanh, Luật, Niêm và Vận.
Thanh: gồm Thanh Bằng (B) và Thanh Trắc (T).
Luật: căn cứ vào chữ thứ hai của câu đầu.
Vần: căn cứ vào chữ cuối của câu đầu và các câu chẵn (2,4,6,8).
Niêm: (dính liền, giữ cứng) là giữ giống nhau về luật. Niêm trong thơ Đường luật thất ngôn bát cú căn cứ vào chữ
thứ hai mỗi câu phải cùng một thanh (Bằng hay Trắc). Các câu niêm với nhau là: 1 và 8; 2 và 3; 4 và 5; 6 và 7.
Biệt lệ: Nhứt, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh.
Bài thơ đúng luật không bị thất niêm (không đúng niêm), không lạc vận (sai vần) hoặc cưỡng áp.
Về phép đối: Các câu đối với nhau phải chỉnh về tình, đối về ý, âm thanh và từ loại. Trong một bài thơ Đường luật,
hai câu thực (3 và 4) phải đối với nhau; hai câu luận (5 và 6) phải đối với nhau.
LẠI TẾT VỀ GIỮA MÙA ĐÔNGTết giữa mùa Đông – suối lệ tràn
Ngàn năm ô nhục: Ải Nam Quan!
Tây nguyên hùng vĩ, người khai thác
Biển đảo đẹp giàu, chúng phá tan (BS Nguyễn Tăng Hưng đề nghị sửa thành chiếm ngang).
Hội nghị Diên Hồng: bừng chánh khí
Bài thơ Nam Quốc: nức tâm can
Non sông gấm vóc, thề son sắt
Tủi gió sầu mưa – hận ngút ngàn!
(TRÚC LAN – Montreal-Canada, 10/2013)
*Đây là bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, luật Trắc, vần Bằng. Tác giả giữ đúng Niêm, Luật, Vần, Đối. Xin được
họa nguyên vận: Tràn, Quan, Tan/Ngang, Can, Ngàn. Thành thật cám ơn.
Họa thơ nguyên vận: Tràn, Quan, Tan, Can, Ngàn
LẠI TẾT VỀ GIỮA MÙA ĐÔNGTết giữa mùa Đông – lệ cứ tràn
Khóc cho Bản Giốc, hận Nam Quan
Tài nguyên phong phú, người xâm đoạt
Văn hiến ngàn xưa, chúng xóa tan
Đại cáo Bình Ngô: ngời chánh nghĩa
Lời thề Sát Thát*: rực** tâm can
Chừng nào minh chúa tòng dân ý
Phất ngọn cờ đào*** diệt sói ngàn****!
(TRÚC LAN – Montreal-Canada, 10/2013)
* Sát Thát: (Sát: giết; Thát: chỉ người Mông Cổ): giết quân Thát Đát (tức Mông Cổ). Thời nhà Trần, trong kháng
chiến chống Nguyên-Mông lần thứ hai (1285), quan quân nhà Trần đều thích (xăm) lên hai cánh tay chữ “Sát Thát”
để thể hiện ý chí giết giặc ngoại xâm.
**Rực: nổi nóng; tức rực tim gan.
***Cờ đào: rút từ thành ngữ “áo vải cờ đào”. Thành ngữ nầy bắt nguồn từ hai câu thơ “Mà nay áo vải cờ đào –
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình” trong bài “Ai tư vãn” của Ngọc Hân công chúa [Lê Ngọc Hân
(1770-1799), con gái thứ 21 của Lê Hiến Tông]. “Ai tư vãn” là bài thơ Nôm nổi tiếng (dài 164 câu, thể song thất
lục bát) của Ngọc Hân công chúa, phản ảnh sâu sắc nỗi đau khổ và tiếc thương chồng vô hạn của một góa phụ
trẻ; còn là tư liệu quý để người đời hiểu được đời sống tình cảm, sự nghiệp cứu nước, dựng nước của vua
Quang Trung, người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.
****Sói ngàn: Sói dữ trên rừng núi; có thể so sánh với sói đỏ, sói thảo nguyên. Sói đỏ rất hung tợn, thường xuyên
sát hại trâu bò và đồng bào ở quanh rừng (chẳng hạn ở Sơn La, Việt Nam). Chúng đi săn thành từng đàn 20 tới 30
con, có khi lên 50 con. Khi “bày binh bố trận”, chúng giết con mồi cho bằng được. Hàm răng chúng sắc như dao
cạo, xé đứt cả da trâu bò. Nước tiểu rất độc, là thứ võ khí khủng khiếp. Chúng rất nham hiểm, cứ cắn chết trâu bò,
ăn hết thịt mông, moi hết lòng phèo, rồi bỏ dở để tấn công con khác (Theo VTC News).
Sói là một trong những vị thần thuộc thần thoại Bắc Âu. Sói còn là Tôtem, là biểu tượng cho sức mạnh tinh thần
của người Mông Cổ (Sói con của Trời; sói đỏ Mông Cổ). Gần đây còn có “Tôtem sói” là một bộ sách lạ, mô tả
nghiên cứu về loài sói thảo nguyên Mông Cổ (Nguồn
www.nhandan.com.vn).
Diệt sói ngàn ở đây ý nói diệt kẻ thù hung dữ, tàn ác.
Sửa bởi người viết 26/01/2014 lúc 07:45:04(UTC)
| Lý do: Chưa rõ