Sochi 2014: Các lãnh đạo Tây Phương không dự Thế Vận Hội Mùa Đông vì nhân quyền Một hoạt cảnh được trình diễn với các vũ công múa chung quanh những hình thể biểu tượng văn hóa Nga trong lễ khai mạc Thế Vận Hội tại sân vận động Fisht, Sochi vào đêm thứ Sáu. Màn vũ này diễn ra đúng như bài bản, thế nhưng tiết mục chiếu sáng năm vòng tròn biểu tượng Thế Vận Hội trên nền trời đen đã gặp trục trặc vì chỉ có bốn vòng được tỏa sáng, vòng thứ năm hóa thành một bông tuyết thay vì hình tròn.
(Hình: Quinn Rooney/Getty Images)SOCHI, Nga - Các nhà tổ chức Nga phụ trách Thế Vận Hội Sochi đã bắt tay vào việc tạo ấn tượng mạnh cho cả thế giới cùng thấy, bằng một Thế Vận Hội Mùa Đông lớn nhất từ trước đến nay. Thế nhưng những nhà phê bình Tây Phương đã nói về một “Thế Vận Hội của Putin” với kích thước vĩ đại đến điên cuồng. Họ rằng đây là sự phô trường của ông Putin chứ không phải của toàn dân Nga.
Phần lớn tin tức do các cơ quan truyền thông Nga đưa ra trước ngày khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Sochi đều tập trung vào những con số kỷ lục về số lượng các lực sĩ tham gia, số lượng các sự kiện trong đó họ tranh tài - và phí tổn tổng cộng.
Trong khi Thế Vận Hội Vancouver năm 2010 phải xoay xở trên một ngân sách chỉ có $5.5 tỷ euro (tương đương $7.4 tỷ Mỹ kim), thì ban tổ chức Sochi đủ sức chi tiêu $37.5 tỷ euro, tính riêng trong tám năm chuẩn bị. Đến thời điểm kết thúc Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2014, tổng số chi phí được dự đoán lên tới $50 tỷ euro.
Phần lớn số tiền này là cần thiết để biến một địa điểm nghỉ mát trên bãi biển nhiệt đới bên bờ biển Hắc Hải thành một nơi tổ chức các môn thể thao mùa đông. Sochi nằm trên cùng vĩ độ địa lý với St. Tropez trên biển Địa Trung Hải ở Pháp - hiếm khi nhiệt độ giảm xuống dưới ba độ C (37 độ F).
Các địa điểm tranh tài Thế Vận Hội Mùa Đông được đặt tại quận Krasnaya Polyana, cách 40 cây số (25 dặm) từ bờ biển, nằm ở độ cao 600 mét (1,969 bộ) trên mực nước biển. Trước khi chuẩn bị Thế Vận Hội Mùa Đông, đã có một thiết bị vận chuyển bằng dây cáp đưa các lực sĩ lên trên cao, nhưng không có một đường băng để trượt tuyết xuống núi.
Tất cả các địa điểm thi đấu ấy đều đã được xây dựng từ đầu – và hạ tầng kiến trúc cũng như vậy. Một đường xa lộ và đường hỏa xa, hiện nay chạy băng qua khu Lâm Viên Quốc Gia Sochi - một khu bảo tồn thiên nhiên có cương vị là di sản thế giới.
Ảnh hưởng tai hại đến lên môi trường sinh thái được mô tả là rất nghiêm trọng; những bãi chứa chất thải đã được xây dựng trong vùng núi, nên gấu và loài dê núi Alpine ibex mất đi môi trường sinh sống tự nhiên của chúng. Thiên nhiên đã phải nhường chỗ cho Thế Vận Hội Mùa Đông, và các cư dân ở một ngôi làng nhỏ cũng phải nhường đất hoặc dọn đi nơi khác. Tiếp xúc với báo chí Tây Phương, dân làng nói rằng họ rất ghét Thế Vận Hội Mùa Đông này vì cuộc sống của họ bị đảo lộn hoàn toàn, tệ hơn trước rất nhiều.
Lễ khai mạc tưng bừng diễn ra vào tối thứ Sáu nhưng thiếu hẳn một số nhà lãnh đạo thế giới nổi bật, trong đó có Tổng Thống Barack Obama, đang làm lơ với lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông ở Nga.
Bà Lena Adelsohn, bộ trưởng Bộ Thể Thao Thụy Điển, trong tháng qua gọi việc tránh xa lễ khai mạc là một “dấu hiệu chính trị,” theo báo Los Angeles Times đăng tin hôm thứ Năm. Bà Adelsohn và các nhà lãnh đạo khác nêu ra thành tích tệ hại về nhân quyền của Nga, trong đó có những biện pháp hạn chế quyền tự do ngôn luận và luật mới đây được ban hành chống người đồng tính.
Đây là lần đầu tiên trong hơn một thập niên không có một vị tổng thống đương nhiệm hoặc cựu tổng thống Hoa Kỳ dự lễ khai mạc Thế Vận Hội. Thủ Tướng Anh David Cameron và Tổng Thống Pháp Francois Hollande, Thủ Tướng Đức Angela Merkel cũng không đến Sochi.
Tuy nhiên, trong các vị nguyên thủ quốc gia đến dự lễ khai mạc đêm thứ Sáu có Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe, một lãnh đạo duy nhất trong nhóm quốc gia G7 đến dự lễ khai mạc và mang đến uy tín cao cấp cho Thủ Tướng Nga Vladimir Putin. Trước khi đến Sochi, ông Abe dự một cuộc biểu tình yêu cầu Nga trả lại những hải đảo mà Nga từng lấy Nhật khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt. Đây cũng là lần thứ năm Thủ Tướng Abe họp thượng đỉnh với Thủ Tướng Putin từ khi ông Abe nắm chức thủ tướng 13 tháng trước đây.
Một lãnh đạo Á Châu khác cũng đến Sochi và không gây ngạc nhiên là Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Cộng.
Tổng Thư Ký Ban Ki-moon của Liên Hiệp Quốc cũng đến dự lễ khai mạc. Tuy nhiên, trong bài diễn văn đọc trước Ủy Ban Thế Hội Quốc Tế, ông Ban Ki-Moon nhắc đến tầm quan trọng của quyền công dân của người đồng tính.
“Chúng ta phải lên tiếng trước những sự tấn công nhắm vào người đồng tính, người lưỡng giới, và người chuyển giới,” ông Ban nói. “Chúng ta phải chống lại sự bắt giữ, giam cầm và sự kỳ thị mà những người này phải đối diện.”
Theo báo Viễn Đông