Diễn đàn châu Á Bắc Ngao (Boao Forum for Asia) năm 2014 chủ đề: "Tương lai mới của châu Á: Tìm
kiếm và giải phóng động lực phát triển mới" đang diễn ra tại Hải Nam (Trung Quốc). (Credit: ABC) .Trong khuôn khổ Diễn đàn châu Á thường niên Bắc Ngao (Boao Forum for Asia) năm 2014 tại Hải Nam (Trung Quốc)
từ ngày 8-11/4 với chủ đề: "Tương lai mới của châu Á: Tìm kiếm và giải phóng động lực phát triển mới", một phân
diễn đàn dành cho các nhà lãnh đạo truyền thông được tổ chức nhằm thảo luận các cơ hội và thách thức của truyền
thông trong thời đại kỹ thuật số.
Dịp này, phóng viên Cơ quan Truyền thông Úc (ABC) có cuộc phỏng vấn ngắn ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc
Đài Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam (VTC), về những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn truyền thông tại Việt Nam.
P.V: Hiện nay, truyền thông Việt Nam đang có sự thay đổi nhanh chóng trước sức ép ngày càng tăng đến từ các
phương thức truyền thông mới. Vậy thực tế ở Việt Nam đang diễn ra cụ thể như thế nào, thưa ông?
N.V.B: Những năm gần đây, khoa học - công nghệ, nhất là lĩnh vực viễn thông và internet ở Việt Nam phát triển mạnh
mẽ. Điều này làm thay đổi một cách cơ bản phương thức truyền thông. Hiện tại, công chúng, khán thính giả ở Việt
Nam đón nhận các phương thức truyền thông mới một cách rất tự nhiên; còn những phương thức truyền thông truyền
thống vẫn giữ được giá trị của nó. Tuy nhiên, rõ ràng là thói quen, cách tiếp cận của công chúng đã có sự thay đổi.
Do thời điểm này quá trình thay đổi đang diễn ra, nên tôi chưa thể khẳng định là thay đổi đó đã chiếm ưu thế hoàn toàn
hay chưa. Nhưng rõ ràng, đó là điểm mới, có nhiều giá trị mới đang được công chúng, khán giả chấp nhận.
P.V: Tại hội thảo này, chúng ta đã thảo luận về phương thức truyền thông mới, nhấn mạnh đến tính hợp tác thay vì
cạnh tranh giữa truyền thông truyền thống và truyền thông mới. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào,
thưa ông?
N.V.B: Tôi nghĩ dù là phương thức truyền thông mới hay cũ thì chúng đều là sản phẩm của quá trình vận động, phát
triển của khoa học - công nghệ, của thói quen sinh hoạt của con người khi tiếp cận với khoa học - công nghệ. Ở đây,
không có chuyện cạnh tranh, cũng không có vấn đề chiến thắng bởi đó là sự vận động tự nhiên. Những ưu điểm hay
hạn chế của mỗi loại hình truyền thông thì các bạn đã phân tích nhiều rồi, tôi xin không phân tích lại nhưng rõ ràng,
phương thức truyền thông mới phù hợp với nhịp sống của con người khi tiếp xúc với khoa học hiện đại.
Có thể thấy, hiện nay, quỹ thời gian của con người ngày thêm ít ỏi. Thứ nữa là nhu cầu của chúng ta khao khát tiếp cận
với nhiều thông tin trong một khoảng thời gian nhất định. Ba là chúng ta muốn quan tâm đến những thông tin hữu ích
cho cuộc sống, sinh hoạt. Thứ tư, chúng ta muốn tiếp cận thông tin một cách tự nhiên, mềm mại, không nặng nề. Bốn
ưu điểm đó của các phương thức truyền thông mới đã được công chúng, khán thính giả chấp nhận.
Chắc rằng trong thời kỳ mới, với xu thế toàn cầu hóa, với sự sáng tạo cvoo tận của con người, những phương tiện
truyền thông mới sẽ còn tiếp tục ra đời và ngày càng thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, khám phá thông tin và giải trí của con
người.
Tóm lại, theo quan điểm của tôi, đây là một quá trình vận động tự nhiên của xã hội. Mà phàm điều gì là tự nhiên thì
những ưu điểm, thế mạnh của nó sẽ tồn tại; những nhược điểm sẽ tự triệt tiêu.
P.V: Một câu hỏi cuối, liệu ở Việt Nam, chính phủ có hướng đến phát triển truyền hình trả tiền và những hình thức kêu
gọi quảng cáo khác hay truyền hình chỉ để phục vụ cộng đồng, thưa ông?
N.V.B: Về định hướng, chính phủ Việt Nam hiện muốn phát triển mạnh báo chí, truyền thông nói chung, trong đó có
truyền hình. Chính phủ Việt Nam quan tâm thứ nhất đến việc tạo môi trường, hành lang pháp lý để các hoạt động khoa
học - công nghệ, phát thanh, truyền hình có điều kiện phát triển. Thứ hai, chính hành lang pháp lý đó tạo điều kiện cho
các đài truyền hình được khai thác, sử dụng tiềm năng của mình. Thứ ba, hoạt động của các cơ quan báo chí, phát
thanh, truyền hình ở Việt Nam phải tuân thủ định hướng, tức là phải đáp ứng nhu cầu của công chúng; phục vụ lợi ích
nhân dân, của đất nước. Đó là những việc chính phủ Việt Nam đang làm.
Còn vấn đề truyền hình và truyền thông quảng bá hay trả tiền, thì Việt Nam hiện phát triển song song. Một mặt, làm tốt
công tác quảng bá nhằm cung cấp thông tin đến các nhóm công chúng gặp những hạn chế trong tiếp cận với các
phương tiện truyền thông mới; đồng thời, nhà nước phải chủ động cung cấp cho công chúng những thông tin mà có
thể các phương tiện truyền thông khác không quan tâm đến những thông tin này, chẳng hạn, các chủ trương, chính
sách trong vấn đề giúp người dân, vùng khó khăn phát triển. Bởi vậy, nhà nước phải quan tâm đến truyền thông quảng
bá. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhà nước vẫn tạo điều kiện cho truyền hình trả tiền phát triển. Tức là Việt Nam phát triển
song song cả hai lĩnh vực này chứ không xem nhẹ lĩnh vực nào.
Jason Fang
Theo ABC