Phim báng bổ đạo Hồi: Căm phẫn lan tỏa trong thế giới Ả Rập Biểu tình tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi, 14/09/2012. REUTERSHội nghị toàn quốc về môi trường của Pháp với mục tiêu giảm bớt mức độ lệ thuộc vào dầu hỏa và năng lượng hạt nhân ; chuyến công du Liban đầy thách thức và hy vọng của Đức Giáo Hoàng ; căm phẫn lan tỏa trong thế giới Hồi giáo, làn sóng chống Mỹ lan rộng, dư âm của bộ phim « Innocence of Muslims » có nội dung phỉ báng đạo Hồi. Bộ phim này được thực hiện tại Hoa Kỳ và đã được phát tán trên mạng Internet.
Sau các cuộc biểu tình bài Mỹ ở Ai Cập, Libya, hàng ngàn người đã xuống đường tại Irak, Iran, Bangladesh, Yemen cũng chỉ vì bộ phim nói trên. Các tòa đại sứ Mỹ tại khu vực Trung Cận Đông đã được tăng cường an ninh. Căng thẳng gia tăng đến mức mà theo báo Le Monde, chính quyền Afghanistan đang « trong tình trạng báo động ». Tổng thống Hamid Karzai đã phải dời lại chuyến công du Na Uy. Tại thủ đô Kaboul, đa số các tòa đại sứ đều tăng cường an ninh để bảo vệ nhân viên ngoại giao.
Libération lo ngại « làn sóng chống Mỹ » đang dâng lên tại các nước Hồi giáo đe dọa đến cả an ninh của những người theo đạo Công giáo, khi mà chính quyền không kiểm soát được thành phần cựu đoan và tờ báo đặc biệt quan tâm đến an ninh của người Công giáo ở Ai Cập.
Báo Công giáo La Croix đưa ra nhận xét tương tự : Người Ai Cập Công giáo đang lo ngại nguy cơ bạo động bùng lên giữa cộng đồng người theo đạo Hồi và đạo Thiên Chúa. Cũng tờ báo này nêu lên câu hỏi về tác động của làn sóng chống Mỹ đối với cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ.
Le Figaro ghi nhận, tổng thống Ai Cập Morsi đã im lặng khá lâu, trước khi lên án vụ tòa lãnh sự Mỹ ở Benghazi bị tấn công. Cho dù ông kêu gọi « kiềm chế » không tấn công các cơ sở ngoại giao, thế nhưng, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đang cầm quyền tại Cairo lại kêu gọi biểu tình. Theo Le Figaro, thái độ « nước đôi » đó của chính quyền Ai Cập bắt đầu khiến cộng đồng quốc tế đặt nghi vấn.
Gậy ông đập lưng ông
Nhà chính rị học Ai Cập Mohammed Ezz el Arab nhận xét với phóng viên của báo Le Figaro : Đành rằng phim « Innocence of Muslims » là đáng để bị lên án, nhưng dùng bạo lực để đối lại với với bạo lực là một hành động vô trách nhiệm và nguy hiểm ».
« Nguy hiểm » do tinh thần bài Mỹ có nguy cơ làm xấu đi hình ảnh của người Hồi giáo, của đạo Hồi. Đó có thể bị coi như « mặt trái của phong trào dân chủ Mùa Xuân Ả Rập ». Người dân Ai Cập, Libya và nhiều nơi khác tại Trung Cận Đông đã nổi dậy để lật đổ các chính quyền cũ vì những lý tưởng công lý và dân chủ. Điều quan trọng là phải làm thế nào tránh để các cuộc cách mạng đó lại « tạo cơ sở » cho những thành phần cực đoan nhất.
Chuyên gia về tình hình các nước Ả rập này cho rằng, « việc Ai Cập chọn một vị tổng thống thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã góp phần củng cố thêm thanh thế của nhưng phần tử cực đoan trên chính trường Cairo ». Nhìn dưới góc độ đó, nhà chính trị học Mohammed Ezz el Arab quan niệm rằng, bộ phim với nội dung bổ báng đạo Hồi được thực hiện tại Mỹ thực ra chỉ là « một cơ hội lý tưởng » cho những thành phần cực đoan khai thác để làm dấy lên tinh thần bài Mỹ, bài phương Tây.
Một tờ báo địa phương, L'Eclair des Pyrénées, trong bài xã luận, kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo cần phải tìm ra giải pháp tránh để « giấc mơ dân chủ vừa chớm nở trong Mùa Xuân Ả Rập » trở thành những « cơn ác mộng ».
Đó không chỉ là « ác mộng » đối với các nước phương Tây mà theo như phân tích của Le Monde trong bài xã luận : Bất kỳ ai là thủ phạm đã gây nên cái chết của đại sứ Hoa Kỳ tại Libya, và dù là họ đã hành động với bất kỳ một lý do gì đi chăng nữa thì vụ tấn công tòa lãnh sự Mỹ tại Benghazi hôm 12/09/2012 cũng là một « vố đau » nhắm vào đạo Hồi và nhắm vào chính tương lai của Libya.
Tờ báo gọi thủ phạm vụ tấn công ở Benghazi là « những kẻ đào mồ chôn đạo Hồi và nền dân chủ Libya ». Bởi vì hành động đó càng khiến một phần dư luận nghĩ rằng, đạo Hồi là một tôn giáo hẹp hòi, khắt khe và tàn bạo khi mà có những kẻ cuồng tín đã không ngần ngại sát hại những người vô tội nhân danh đạo Hồi.
Chính vì thế, Le Figaro nhất mạnh : Hơn bao giờ hết, cần phân biệt giữa đạo Hồi với đường lối quá khích của một số người Hồi giáo cực đoan.
Source: RFI