Tôi yêu cuộc sống nơi này” - phỏng vấn Pam Scott về Việt NamMột cuộc trò chuyện với nhà văn Pam Scott về tình yêu của bà với Việt Nam được thể hiện qua nhiều cuốn sách nói về đất nước này.
Pam Scott sinh ra tại Sydney, Úc. Thoạt tiên, bà theo học ngành dược sĩ tại Đại học Sydney rồi nhận bằng Tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật vào năm 1986. Sau một thời gian làm việc tại Đại học Wollongong, năm 1993, bà sang Việt Nam, làm việc, giảng dạy tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, làm cho một tổ chức nhân đạo rồi quản lý dự án và mở một tiệm sách ở Hà Nội. Năm 2003, sau 18 tháng quay về Úc, bà lại sang Việt Nam làm việc cho một đại sứ quán ở Hà Nội cho đến năm 2005. Năm 2009, bà đã trở thành đại diện của tổ chức Asialink Literature Resident ở Việt Nam.
Pam Scott: tình yêu dành cho Việt Nam qua những câu chuyện về những gì nhỏ bé và những con người thật bình thường. (Credit: ABC) .Nhân dịp buổi giới thiệu hai cuốn sách mới (Vietnam Revisited và Trailblazers of Fortune) tại Hà Nội tối 19/09 (mời quý vị xem bài đính kèm), chúng tôi đã phỏng vấn tác giả Pam Scott.
Radio Australia: Tại sao bà lại rời bỏ công việc tại Đại học Wollongong để đến Việt Nam?
Pam Scott: Chẳng là sau một thời gian giảng dạy, tôi đã nhận được một số lời mời sang làm việc ở nước ngoài. Ý nghĩ sang Việt Nam đến với tôi đầu tiên chỉ như một thử thách; để rồi sau đó, Việt Nam mới dần đần trở thành một sự lôi cuốn.
RA: Bà đã về Úc, rồi quay lại Việt Nam sống nhiều lần. Điều gì ở Việt Nam đã níu bà quay lại như vậy?
PS: Trước tiên, đó là công việc. Nó mang đến cho tôi thật nhiều cơ hội để hiểu về cuộc sống và con người nơi đây. Lúc đó, tôi muốn khám phá vì sao những con người mà tôi gặp hàng ngày ở đây khuôn mặt trông thật rạng rỡ. Tôi cũng muốn đóng góp nhiều hơn cho công việc mà tôi đang làm ở Việt Nam. Và sau nữa, tôi rất hạnh phúc khi ở đây. Cuộc sống ở Hà Nội thật thú vị, mọi người ở đây cũng rất tốt với tôi.
RA: Bà từng viết nhiều cuốn sách về Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đâu là điểm khác biệt chính giữa hai thành phố này, thưa bà?
PS: Hà Nội đẹp hơn Thành phố Hồ Chí Minh. Nó tĩnh lặng, tiềm ẩn nhiều vẻ đẹp, và có nhiều hoạt động văn hóa. Còn Thành phố Hồ Chí Minh tuy hiện đại hơn nhưng cũng giống như một số thành phố châu Á khác, nó quá náo nhiệt với tôi nên tôi thấy khó để khám phá ra nhiều điểu thú vị. Và nữa, Hà Nội thật nên thơ. Ở đây, tôi đã gặp nhiều người làm những công việc liên quan đến nghệ thuật và văn chương; còn Thành phố Hồ Chí Minh, đó là chốn cho kinh doanh và thương trường.
RA: Bà từng làm phim về những người phụ nữ Việt Nam tị nạn; cũng từng gặp gỡ và làm bạn với nhiều phụ nữ ở Việt Nam. Vậy theo bà, đâu là điểm chung giữa những phụ nữ trong và ngoài Việt Nam?
PS: Tôi đã làm phim về bốn phụ nữ, trong đó có hai người là thuyền nhân tỵ nạn. Thật khó để diễn tả cho hết nghị lực của họ. Cuộc sống vốn là khó khăn, đâu chỉ ở Việt Nam, mà ngay tại Úc cũng thế. Họ làm tôi ngưỡng mộ về ý chí tiếp tục tiến bước trên đường đời gian nan.
RA: Quay lại với buổi giới thiệu sách tối 19/09, thái độ của bạn đọc trong buổi ra mắt như thế nào, thưa bà?
PS: Có lẽ do nhiều người chưa có điều kiện đọc hai cuốn sách mới của tôi nên phần đông họ chỉ đề cập đến những cuốn sách trước đó của tôi như ‘Hanoi Stories’ (Những câu chuyện Hà Nội) và ‘Life in Hanoi’ (Sống ở Hà Nội). Họ muốn tôi chia sẻ kinh nghiệm để tận hưởng những thú vị của cuộc sống nơi đây, nhất là từ khi tôi sáng lập ra ‘Bookworm’ (một hiệu sách ngoại văn nổi tiếng ở Hà Nội). Trước đó, khi quay lại Hà Nội, tôi đã gửi email đến Đại sứ quán Úc và tân đại sứ, ông Hugh Borrowman, người đã tham gia buổi ra mắt sách tối 19/09 vừa rồi, cũng từng đọc cuốn ‘Hanoi Stories’ của tôi. Đó là một trong những cuốn sách đầu tiên ông ấy đọc khi đến Hà Nội từ khi ông ấy trở thành tân Đại sứ một tháng trước.
RA: Những lần trước, bà in sách ở Úc, Anh hay New Zealand, nhưng sao lần này bà lại in sách về Hà Nội ở một nhà xuất bản Việt Nam?
PS: Tôi muốn giúp những người nước ngoài tìm hiểu về Việt Nam, chia sẻ về cuộc sống của tôi ở Việt Nam. Như bạn biết đấy, nói đến Việt Nam, người nước ngoài thường liên tưởng đến chiến tranh. Tôi muốn thay đổi suy nghĩ đó. Và tất nhiên, tôi thấy vui khi nhìn thấy tên tôi xuất hiện trên những cuốn sách.
RA: Vậy bà có muốn trở thành một chuyên gia về Việt Nam?
PS: Hoàn toàn không. Thực sự là tôi chỉ muốn làm điều tôi thích. Tôi quá yêu cuộc sống nơi này và để diễn tả tình yêu đó, tôi chọn cách miêu tả về những thứ trông nhỏ bé và những con người thật bình thường.
Source: ABC Australia