ASEAN-Biển Đông : Malaysia không phải là Cam BốtNgoại trưởng Malaysia, Anifah Aman. Ảnh ngày 04/08/2015. AFP
Mỗi lần ASEAN họp hội nghị, Trung Quốc đều lên tiếng đòi các đối tác không được đề cập đến tranh chấp Biển Đông. Bắc Kinh đã một lần thành công vào năm 2012, khi Cam Bốt làm chủ tịch Hiệp hội Đông Nam Á. Năm nay cũng thế. Trung Quốc lần này sẽ hoài công, vì Malaysia không phải là Cam Bốt.
Phát biểu ngay trong phiên khai mạc ngày 04/08/2015, dù với lời lẽ rất ngoại giao, nhưng Ngoại trưởng Malaysia, nước hiện là chủ tịch đương nhiệm của ASEAN đã bác bỏ đề nghị của Trung Quốc, và khẳng định rằng ASEAN cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, để cho mọi người thấy rõ các cố gắng của mình trong việc tìm ra một giải pháp vấn đề Biển Đông.
Tuyên bố trên đây được cho là một lời đả kích nhắm vào Trung Quốc.
Theo hãng tin Anh Reuters, một bản dự thảo Tuyên bố chung sẽ được công bố sau khi Hội nghị kết thúc mà hãng tin này đọc được đã nêu bật thái độ quan ngại của ASEAN trước các diễn biến mới đây tại Biển Đông, được cho là có tiềm năng « phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông ». Bản tuyên bố chung còn cho rằng cần phải cấp tốc giải quyết vấn đề lòng tin đang suy giảm giữa các bên tranh chấp.
Nước chủ tịch ASEAN được cho là có một vai trò quan trọng trong việc soạn thảo ra một tuyên bố chung như vậy.
Bên cạnh nước chủ nhà Malaysia, người ta cũng chờ đợi một số quốc gia khác như Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, hay là Singapore, Indonesia…, gợi lên vấn đề Biển Đông trong các cuộc họp. Hiện đã có ít nhất là ba nước công khai cho biết là sẽ đề cập đến hồ sơ này. Đó là Philippines, Mỹ và Úc.
Cớ sao lại không bàn về Biển Đông, một vấn đề đe dọa an ninh tại diễn đàn an ninh ARF ?
Đối với Mark Toner, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chắc chắn sẽ nêu lên vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) vì đó là « một diễn đàn để thảo luận về các vấn đề an ninh tối quan trọng ».
Theo các nhà quan sát, quan điểm của Mỹ rất hợp lý, vì lẽ tranh chấp Biển Đông là một vấn đề liên quan đến an ninh khu vực. Nếu không đưa ra trước Diễn đàn an ninh của ASEAN, một Diễn đàn an ninh hiếm hoi ở Châu Á, thì thảo luận ở đâu.
Vấn đề đối với Trung Quốc là do việc các yêu sách chủ quyền và hành động thái quá của nước này tại Biển Đông bị phản đối rộng khắp, Bắc Kinh không muốn bị vạch mặt chỉ tên trên các diễn đàn đa phương. Bên cạnh đó, Trung Quốc chỉ muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông song phương với từng nước, một chủ trương bị cáo buộc là để dễ dàng bắt nạt các nước yếu hơn mình.
Tóm lại, căn cứ vào các phản ứng bất đồng tình được đưa ra ngay sau khi giới lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc cho rằng không nên đề cập đến vấn đề Biển Đông tại các Hội nghị ASEAN, có thể nói rằng mưu toan nhận chìm hồ sơ này của Bắc Kinh sẽ thất bại hoàn toàn.
Phát biểu với hãng tin Pháp AFP, một nhà ngoại giao tham gia trực tiếp các cuộc họp tại Kuala Lumpur đã có một nhận định thẳng thừng rằng Malaysia « không phải là Lào hay Cam Bốt », nhắc lại sự cố xẩy ra nhân Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN vào năm 2012 tại Phnom Penh. Vào khi ấy, Cam Bốt, vốn đã trở thành đồng minh thân cận của Trung Quốc, đã dùng tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN để từ chối đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận hay đưa vào tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng năm đó.
Câu hỏi đang được giới quan sát đặt ra, là từ năm 2012 đến nay, Cam Bốt ngày càng có thái độ ủng hộ lập trường của Trung Quốc một cách lộ liễu hơn, vì thế chưa biết là nhân Hội nghị lần này, liệu Cam Bốt có lại tìm cách bảo vệ quyền lợi của đàn anh hay không.
Theo RFI