Panama Papers : Bí mật được 400 nhà báo giữ suốt hơn một nămHoàng hôn trên thiên đường thuế Panama. Ảnh chụp ngày 07/04/2016.
REUTERS/Carlos Jasso
12 công ty bình phong Việt Nam, khoảng 40 người mang tên Việt. Trên đây chỉ là con số nhỏ trong khối dự liệu khổng lồ của "Panama Papers".
Từ cuối năm 2014, hơn 370 nhà báo trên toàn thế giới phân chia và nghiên cứu hơn 11,5 triệu tài liệu của vụ "Panama Papers". Trang mạng Mashable và Đài truyền hình France 24 (05/04/2016) nhận xét dù có rất nhiều nhà báo và cơ quan truyền thông tham gia, song bí mật vẫn được giữ kín tới cuối ngày 03/04/2016.
Mọi chuyện bắt đầu vào cuối năm 2014, khi một nguồn tin có biệt danh «John Doe» liên lạc với Bastian Obermayer, nhà báo điều tra của tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung. Tất cả mọi dữ liệu đều bị rò rỉ từ văn phòng luật Panama Mossack, Fonseca & Co., nổi tiếng trong giới tinh hoa thế giới. Đây cũng là văn phòng lớn thứ 4 chuyên quản ý các công ty bình phong.
Nhà báo Bastian Obermayer và tờ Süddeutsche Zeitung liên lạc và phối hợp nghiên cứu với Hiệp Hội Các Nhà Báo Điều Tra Quốc Tế (ICIJ) để cùng tiến hành điều tra. Bà Marina Walker, phó giám đốc Hiệp Hội, vẫn nhớ như in thời điểm được thông báo nguồn tin đang có trong tay « khối lượng dữ liệu rò rỉ lớn chưa từng thấy ». Vào thời điểm đó, bà cũng đang làm việc và đồng quản lý một dự án lớn nghiên cứu tài liệu về các tài khoản offshore.
Vậy khối tài liệu này còn có thể lớn hơn cả WikiLeak chăng ? WikiLeak cho thấy hàng tấn, hàng tấn tài liệu, song đúng là không quy mô bằng khối tài liệu mà nguồn tin của Marina Walker tiết lộ : 2,6 terabyte (TB) dữ liệu gồm 11,5 triệu tài liệu lưu lại các hoạt động giao dịch nhiều tỉ đô la trong suốt 40 năm tại các thiên đường trốn thuế.
Được đặt tên là "Panama Papers", sự kiện được đánh giá là tiết lộ lớn nhất trong lịch sử của ngành báo chí. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới, người nổi tiếng và vận động viên đều giấu tiền trong các công ty bình phong. Danh sách sẽ còn kéo dài vì nhiều danh tính chưa được phát hiện.
Liên quan đến Việt Nam, khi truy cập công cụ tìm kiếm của Hiệp Hội Các Nhà Báo Điều Tra Quốc Tế (ICIJ), có 12 công ty bình phong (Offshore Entities) trong đó có một số công ty đã đóng cửa, 96 địa chỉ được tìm thấy trong hồ sơ (Listed Addresses), 104 cá nhân hoặc công ty quản lý công ty bình phong / Nhà trung gian giúp khách hàng lập công ty bình phong (Officiers & Master Clients), trong đó khoảng 40 người mang tên Việt Nam, số còn lại là người nước ngoài và người Hoa.
Hiệp Hội Các Nhà Báo Điều Tra Quốc Tế (ICIJ) ấn định đồng loạt đăng tiết lộ "Panama Papers" lúc 20 giờ ngày 03/04/2016. Thế nhưng, một số nhà báo trong cuộc hoặc nắm thông tin đã không chờ được tới giờ « hoàng đạo » này. Edward Snowden cũng nằm trong số những người đầu tiên chia sẻ trên mạng Twitter đường dẫn tới bài phóng sự của báo Süddeutsche Zeitung. Trong tin tweet được đăng 12 phút trước giờ ấn định, anh gọi đây là « vụ rò rỉ lớn nhất trong trong lịch sử báo chí dữ liệu ».
Hơn một năm làm việc tập thểHiệp Hội Các Nhà Báo Điều Tra Quốc Tế là nhà điều phối dự án khổng lồ và cần tới sự huy động có quy mô chưa từng có trong ngành báo chí cả về mặt kỹ thuật lẫn nhân sự. Công việc đầu tiên là chuẩn bị khối tài liệu, sau đó đọc và chia sẻ chúng.
Bà Marina Walker giải thích : « Chúng tôi phải khẩn trương làm hai việc. Thứ nhất là tuyển một đội ngũ lớn các nhà báo điều tra. Họ có trách nhiệm trích dữ liệu trong vòng nhiều tháng. Tiếp theo là xử lý bằng công nghệ những tài liệu đó và chia sẻ chúng một cách an toàn. Toàn bộ công việc trên mất nhiều tháng để quét và lọc dữ liệu trước khi tải chúng lên không gian làm việc ảo (plate-forme) (được lập để giúp các nhà báo thành viên từ các nước cùng thảo luận) ».
Tổng cộng có hơn 370 nhà báo từ khoảng 100 cơ quan truyền thông thuộc 80 quốc gia cùng làm việc và đưa ra ánh sáng các công ty bình phong của nhiều nước và những khoản giao dịch tài chính. Theo nhận xét của bà Sheila Coronel, nhà báo điều tra kiêm giáo sư giảng dạy tại trường Báo Chí Columbia, dự án "Panama Papers" đã hình thành một cách hợp tác mới. Bà nói : « Tôi chưa bao giờ thấy kiểu hợp tác như này : về số lượng nhà báo, cơ quan truyền thông và các nước tham gia, cũng như sự độc lập và tự chủ của mỗi người để nghiên cứu tài liệu, cách tự do đánh giá một vấn đề nghiêm trọng và thích hợp để thuật lại. Tất cả thật phi thường ».
Tham gia dự án là hàng trăm cơ quan truyền thông quốc tế, như The Guardian, đài BBC của Anh, nhật báo Pháp Le Monde, nhật báo Achentina La Nación, các đài truyền hình Đức NDR và WDR, các kênh truyền hình Mỹ Fussion và Univision hay các báo Miami Herald và Charlotte Observer, tuần báo Thụy Sĩ Sonntagszeitung, tuần báo Áo Falter hay kênh truyền hình Áo ORF… Nhìn vào quy mô và tầm quan trọng của vụ việc, việc giữ bí mật tuyệt đối của các nhà báo thật đáng nể phục.
Sự kiện xảy ra vào đúng thời kỳ khó khăn với nhiều biến động của ngành báo chí điều tra và ngành công nghiệp truyền thông nói chung. Số lượng nhà báo, đặc biệt là tại Mỹ, không ngừng giảm xuống. Ngày nay, nhiều phóng viên phải chuyển nghề, thường sang lĩnh vực truyền thông doanh nghiệp. Hai nhà báo từng giành giải thưởng Pulitzer 2015 đã chọn theo hướng này.
Số lượng nhà báo và cơ quan truyền thông lớn chưa từng có tham gia dự án cũng do bản chất của vụ việc. Vì với chừng đó quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân liên can, rõ ràng là cần có một lực lượng nhà báo nắm rõ những địa chỉ ở nước nơi họ sống. Trả lời phỏng vấn tạp chí Fortune, ông Gerard Ryle, chủ tịch ICIJ, lấy ví dụ cụ thể : « Để nghiên cứu hồ sơ Brazil, chúng tôi cần một nhà báo người Brazil ».
"Panama Papers" còn là sự phối hợp giữa báo chí điều tra theo cách truyền thống và sử dụng tiến bộ công nghệ, được cho là trụ cột của dự án. Giáo sư Sheila Coronel giải thích : « Chúng tôi làm báo theo cách truyền thống và hiện đại. Điều này cũng cho thấy, ngày nay, các nhà báo có thể trao đổi, hợp tác và cùng điều tra một cách an toàn từ nhiều nước bằng cách cùng chia sẻ một cơ sở thông tin ».
Không phải ai cũng được mời tham gia Nhiều cơ quan báo chí dường như bị gạt ra khỏi dự án, trong đó có nhiều tờ báo nổi tiếng của Mỹ như The New York Times, The Wall Street Journal hay The Washington Post. The Intercept cũng không được mời tham gia. Tạp chí điện tử điều tra này do Glenn Greenwald và Laura Poitras thành lập năm 2014 và từng nghiên cứu hồ sơ rò rỉ của Edward Snowden.
Tại sao những cơ quan này không được mời ? Bà Marina Walker cho rằng thiện chí hợp tác là điều cần thiết cho dự án khổng lồ này. Mỗi đối tác phải chia sẻ mọi phát hiện quan trọng và thích đáng với những thành viên còn lại. Hoàn toàn có thể hiểu được là một số cơ quan truyền thông tỏ ra thoải mái với cách làm này, còn một số khác lại không thoải mái bằng.
Phó giám đốc Hiệp Hội Các Nhà Báo Điều Tra Quốc Tế nhấn mạnh : « Điều này không có nghĩa là chúng tôi không muốn hợp tác với The New York Times hay The Washington Post về những dữ liệu này ». Và cũng có nghĩa là cánh cửa luôn hé mở cho những đối tác mới.
Sắp có chuyện lớn ? Một vài dấu hiệu mới đây cho thấy một loạt chuyện lớn sắp được công bố. Một trong những dấu hiệu đó là việc điện Kremlin ngày 04/04/16 đã tố cáo mưu đồ gây bất ổn nước Nga của phương Tây với thông tin tổng thống Nga Vladimir Putin cùng với bạn hữu cũng bị liên quan.
Nhưng trước đó, nhiều dấu hiệu khác cũng đã được tung ra, như ICIJ đăng tải lên internet công cụ tìm kiếm mà mọi cơ quan truyền thông đối tác có thể truy cập được, kèm theo hệ thống trao đổi trực tuyến…
Cách tiếp cận vụ "Panama Papers" của giới truyền thông cũng khác những vụ rò rỉ thông tin gần đây. Vụ việc lớn nhất mà thế giới từng biết là WikiLeaks. Mọi thông tin mà tổ chức này có trong tay đều được đăng lên internet và bất kỳ ai cũng có thể truy cập được.
"Panama Papers" không được đăng lên internet, hoặc chưa được đăng ngay trong thời điểm hiện nay. Theo nhật báo Pháp Le Monde, các cơ quan truyền thông tham gia cùng quyết định không phổ biến rộng rãi những tài liệu trên vì rất nhiều tài liệu chứa dữ liệu nhạy cảm và thông tin cá nhân.
Ngược lại, theo giải thích của bà Marina Walker, « một số thông tin, như danh tính chủ sở hữu các công ty bình phong, nên được công bố rộng rãi ». Một số dữ liệu khác chỉ có thể được cung cấp theo yêu cầu.
Điều này không có nghĩa là "Panama Papers" đã chấm dứt, mà có thể mới chỉ ở giai đoạn đầu. Trung tâm Nghiên cứu Tham nhũng và Tội phạm có tổ chức (Organized Crime & Corruption Reporting Project, OCCRP), cũng tham gia vào dự án, mới đây thông báo nhiều câu chuyện khác sắp được tiết lộ.
Theo RFI