“My formula for greatness in a human being is amor fati: that one wants nothing to be different, not forward, not backward, not in all eternity. Not merely bear what is necessary, still less conceal it … but love it.” (Nietzsche - Ecce Homo)
Nói đến thơ Nguyễn lương Vỵ trước tiên tôi hình dung khối lượng thơ khổng lồ của anh. Làm thơ từ thở bé và xem thơ như thứ nghiệp dĩ cuộc đời thử hỏi đến tuổi gần bảy mươi, sự nghiệp thơ của Nguyễn lương Vỵ không thể đề cập đến kiểu bài thơ này hoặc tập thơ kia mà phải nói tầm vóc một đời thơ, một gia sản thi ca ấy như thế nào? Và có nói như thế cũng chỉ là gượng ép nói bởi muốn nói như thế, ít ra bạn phải mất nhiều thời gian để đọc hết các tập thơ của anh.
Tôi đọc thơ Nguyễn Lương Vỵ từ thuở còn là một sinh viên văn khoa năm thứ nhất. Lúc bấy giờ thơ anh đăng trên tạp chí Khởi Hành hoặc Văn. Tôi thích thơ anh ngoài bản thân yêu thơ, tôi còn là người luôn cổ xúy tinh thần văn nghệ của thế hệ trẻ miền Trung (đầu thập niên 1970) mà lúc bấy giờ dường như trăm hoa đua nở. Đến khi tham dự quân sự học đường khóa đầu tiên, tôi gặp anh qua một người bạn học miền Trung. Cũng khá đặc biệt là tôi cùng người bạn đến thăm anh tại bệnh viện Sùng Chính. Nguyễn Lương Vỵ bị thương do xô xát với quân cảnh trong một cuộc biểu tình của sinh viên tại trung tâm huấn luyện Quang Trung. Tôi còn nhớ, anh người nhỏ thó, ốm yếu xanh xao, tuy nhiên hết sức nhiệt tình trong khi nói chuyện. Sau đó tôi có gặp lại anh vài lần với Võ Chân Cửu khi đi uống café. Năm 1972, tôi bị tổng động viên và sau đó không gặp lại anh lần nào nữa. Khi gặp lại Nguyễn Lương Vỵ tại Mỹ năm 2008, đã gần bốn mươi năm trôi qua. Tuy vật đổi sao dời nhưng điều tôi thích thú nhất là anh vẫn tiếp tục làm thơ và nhiệt tình làm thơ không kém những năm còn học đại học. Tôi được Nguyễn Lương Vỵ tặng thơ mỗi khi một tập thơ mới in ra và cho đến hôm nay tôi đã có sáu tập thơ của anh.
Cuối năm 2017 Nguyễn Lương Vỵ phải mổ tim và cho đến nay sức khỏe chưa được hồi phục hoàn toàn. Đi thăm anh và thỉnh thoảng ngồi uống café với nhau, chuyện rôm rả nhất bao giờ cũng là thơ và điều làm anh lo lắng nhất là một ngày sức khỏe không cho phép anh làm thơ được nữa. Anh buồn bực nói với tôi, bấy giờ tôi an ủi anh, “nếu thơ là nguồn sống của mình thì ngày nào mình còn hơi thở, mình vẫn cứ làm thơ. Không viết, đánh máy được thì mình ghi trong đầu…” Tháng rồi nhiều bạn văn thơ chúc mừng sinh nhật anh, tôi không có điều kiện viết bài vì quá bận công việc. Hôm nay tôi viết bài này đóng góp chút tri tình bằng hữu về một đời thơ tầm vóc của anh. Tuy nhiên, tôi chỉ đọc tuyển tập Thơ bốn mươi lăm năm (1969-2014) của anh. Quyển sách dày gần bảy trăm trang, tôi đọc chừng mực với một số bài tiêu biểu và viết trong khả năng hiểu biết về thơ hạn hẹp của mình. Tôi mong rằng chút đóng góp này thay thế lời chúc mừng sinh nhật trể và là món quà tinh thần giúp anh sớm bình phục sức khỏe.
*
Nói đến yêu thương định phận (Amor fati) có nghĩa sự vượt qua đau thương và mất mát trong cuộc đời bằng vào tình yêu thương hòa giải những thù hận, mâu thuẫn mà định mệnh mang đến. Nếu đỉnh cao của triết lý là thi ca thì phải chăng tiếng thơ Nguyễn Lương Vỵ biểu hiện một thái độ sống đẹp đẽ, trung thực trên nền bi kịch của một thời kỳ điêu linh lịch sử dân tộc.
Yêu Thương định phận (Amor fati) là sức mạnh của ý chí quyết định phương thức tồn tại bản thân mà không hề phản kháng lại bao mâu thuẫn, tốt xấu, lầm lẫn hoặc khôn ngoan của quá khứ. Chỉ một mực yêu thương nồng nhiệt vượt lên trên những gì đã xây đắp thành tập quán truyền thống con người, thì chủ đề Âm Vang Sắc Màu đủ để miêu tả hết một đời thơ Nguyễn Lương Vỵ. Những Phương Ý, Hòa Âm, Huyết Âm, Tinh Âm. . . chỉ là chi tiết (break down) của Âm Vang Sắc Màu mà thôi! Tại sao? Vì thơ NLV chính là âm vang sắc màu cuộc đời mà chính chủ thể khả hữu biểu hiện. Thế nên âm mà không vang hay âm vang không hiện hữu trong không gian mà chỉ là âm vọng tâm hồn. Sắc màu cũng thế, sắc mà không màu vì nó thâu tóm mọi màu sắc của một đời bất hạnh, nếu không nói chính nó miêu tả nỗi đau đớn xâu xé tâm hồn con người trong nghịch cảnh. Điểm đặc biệt là Âm vang Sắc màu một thể thống nhất chứ không tách biệt phạm trù có nghĩa trong Âm vang có Sắc Màu và trong Sắc Màu cũng mang đủ tố chất Âm vang. Tôi xin nhấn mạnh điểm này trong cõi thơ Nguyễn Lương Vỵ cốt tránh hiểu lầm một tập thơ của anh mang tên Âm Vang và Sắc Màu. Âm vang Sắc màu trong cõi thơ Nguyễn Lương Vỵ bắt đầu từ một biến cố bất hạnh cùng cực gia đình: nỗi đau đớn khi chứng kiến cái chết của cha, chú và bao mất mát chia lìa khác tạo nên nỗi bi thương ám ảnh trong suốt hành trình cuộc đời.
Nguyễn Lương Vỵ (NLV) thoát ly gia đình rất sớm. Hoàn cảnh gia đình đẩy anh ra ngoài xã hội để tự lực mưu sinh. Và dù phải đấu tranh khốn khó cùng cực ngoài xã hội không dập tắt tâm hồn thi ca NLV. Thử thách trong cuộc sống là chất liệu tuyệt hảo biểu hiện qua nhận thức âm vang màu sắc trong cảm hứng. Bài thơ Thanh Ca gồm 345 chữ viết theo thể văn xuôi (prose) như một tuyên ngôn:
“Cám ơn mộng mị cám ơn đời thường cho ta giàu tưởng tượng cho ta giàu thơ ca từ buổi đầu xanh chưa ráo máu đến bây giờ vẫn còn mang theo muôn triệu mặt trời lung linh giữa trần gian tràn sắc nắng bay qua ngực rộng bay qua mãi mãi bay qua đến bao giờ chẳng biết nhưng ta biết thơ ca là chiếc lá diệu kỳ là chiếc hôn diệu vợi của nòi tình muôn triệu năm . . . . . . . ta thèm đi suốt xứ thèm phố phường rừng núi ruộng đồng thèm ao suối sông hồ biển nhỏ biển to thèm niềm vui thèm nỗi buồn thèm em thèm tất cả xương da mộng mị đời thường cho thi ca càng bổ khỏe phương phi vì nhau mà sống vì nhau mà chết nên chẳng dễ gì ta chép hết khúc Thanh Ca...”
Tên bài thơ phản ánh đậm nét tình yêu thương cuộc sống, cuộc đời vốn tràn đầy đau thương phẫn hận này của anh. Cho nên nếu có tiếng gầm thét cuồng nộ của âm vang hay màu sắc chói chan của tức giận cũng chỉ là lý do sản sinh một tình yêu thương vượt qua số mệnh (Amor Fati) nặng tính triết lý bi kịch.
Thơ Nguyễn Lương Vỵ biểu hiện thứ Tri thức hoan say (Le Gai Savoir) với cảm hứng như dồn dập bất tận trong đời thường dù nghịch cảnh, nội dung bao hàm sự khoan thứ dung dị xuất phát từ sự phủ định mang tính nhân bản trong trong triết lý Nietzsche[1] về con người (Ecce Homo).
Bên cạnh đó thơ Nguyễn Lương Vỵ còn diễn tả bao nỗi trớ trêu bi kịch phản ánh bộ mặt thật xã hội dưới lăng kính nhận thức của tâm hồn.
Ba bài thơ đầu tiên viết vào năm 1969 lúc Nguyễn Lương Vỵ 16 tuổi có thể giới thiệu Mở đầu cho một đời làm thơ. Âm Sắc biểu hiện rõ nét trong “Nửa đêm thức dậy nhìn mây trắng”:
Lung linh hồn quê cũ
Mây trắng phủ khắp trời
Nhớ trăng khô hết máu
Muôn trùng dặm núi ơi!!!
Không thời gian đậm nét trong bốn câu mà nỗi oan khiên số mệnh biểu hiện. Đây là tiếng kêu gào một thời nào đó đã qua, đã xóa nhòa từ một ký ức cùng khốn đồng thời khát vọng được trở về một quê nhà xa xăm bình yên đã mất. Hai bài “Cảm Ứng” và “Chiều Câm” cho thấy tính tượng trưng, từ thực tại phổ qua một cảm xúc và biến cố quá khứ lại càng hàm chứa Âm Vang Sắc Màu nội tại hơn nữa:
Cảm Ứng
Biển đắp một tòa sương
Lạnh đôi bờ vú nhỏ
Nàng tắm trong tịch dương
Núi gầm lên khóc nhớ
Chiều Câm
Mẹ băng huyết giữa đồng
Đứa em chưa kịp tượng
Trôi tuốt ngoài thinh không
Chập chờn con bướm lượn
HÌnh ảnh biểu tượng “Núi gầm lên khóc nhớ” hay ba câu thơ đầu của bài “Chiều Câm” cho thấy một bất lực thực tại. Thực ra Âm vang Sắc màu trở thành chủ đề chính cuộc đời anh bởi sự chắt lọc những đối kháng bi đát mà tâm tư tình cảm nhận được từ cuộc đời thường. Tinh âm, Huyết âm, Hòa âm âm, Phương ý … chính là những chắt lọc đối kháng nhận thức phổ trên những con chữ. Trong bao chắt lọc này có đủ đau thương khốn cùng nhưng cũng không thiếu chất lãng mạn trữ tình rất mực. Bài thơ “Tinh âm Thu” viết năm 1973 mở đầu:
Bạo tàn thu
Âm u mồ thu vắng
Nhập hồn trăng đá trắng lạnh lùng thu
Hờn tử biệt gió đã về bên xứ
Máu oan linh giãy giụa nát rừng thu
. . .
Và kết luận tinh âm thu chỉ là nỗi quạnh hiu khi nghe tiếng thu chan hòa:
Ôi bạt mạng phút linh cầu gieo hạt
Âm sáng lừng thơm ngát dậy rừng thu
Thâm tử chan hòa thu
Mây rừng thu cô tịch
Trời bâng khuâng ôm chiếc bóng lạc loài . . .
Đến “Tinh âm Hoa” đặc biệt hơn nữa ý niệm chắt lọc từ hoa là một hoài cảm tương tác nhận thức từ hồn hoa cho đến trời hoa của một thực tại không bến bờ. Nhà thơ xử dụng hai chữ Lịch kiếp, Cổ lâu mang ý nghĩa thời gian và không gian trong hoài cổ. Nó khơi gợi niềm luyến tiếc lại vừa cảm thương thân phận:
Chào kẻ lạ giữa đời quen lịch kiếp
Bước chân qua chiều khép lạnh hồn hoa
Trời xuôi ngược những hình ma không hẹn
Ghé về thăm heo hút cõi lòng ta
Khơi nhẹ âm hồn hoa
Đưa nắng tà qua tóc
Cổ lâu ơi đừng khóc nữa vì người
Tay vẫy nhẹ xa vời hương sắc cũ
Cổ lâu ơi xanh ngát nụ hoa câm
. . .
Đến Âm thanh Sắc màu trong bài thơ “Màu luyến ái”:
Trái mận cuối mùa không nở hái
Sợ cuống bơ vơ sợ lá đau
Ta muốn nhìn lâu màu luyến ái
Màu tim rung động đến ngàn sau…
Và “Màu ngây dại” hết sức tiêu biểu cho âm không thinh (vang), màu không sắc:
Ước gì trở lại bên vườn cũ
Nghe chim chèo bẻo hót thinh không
Màu ngây dại bông trang vừa nhú
Màu mây trôi mát rượi cả lòng…
Bài thơ “Một thoáng Đà Nẵng” mô tả một phần đoạn đời xa nhà của mình khá sinh động và cảm động. Ngồi trên bờ biển gẫm một quá khứ từng có một tuổi thơ:
. . .
Trở về ngồi lặng yên với biển
Bãi cát còn sót lại những giợn sóng
Đã rút đi xa
Như quá khứ
Những sợi tóc vàng cháy
Vắt ngang qua ánh mặt trời
Vắt ngang qua lưng núi
Mười lăm năm
Ngày trở về không hẹn trước
Âm thầm như bóng mây
. . .
Tuổi thơ của mình
Có một chiếc đinh
Rung rinh giữa trán
. . .
Tuổi thơ của mình
Có một vết cứa
Lặng im rách tim
. . .
Vết thương nhân loại hay vết bầm thế giới là điển hình bi kịch con người mà “Âm Vang Sắc Màu” của nó khiến tác giả cười khóc trên mỗi bước chân trong hành trình cuộc đời. Bài thơ chỉ hai khổ mười câu diễn tả khá khốc liệt:
. . . . . .
Bước xa viễn tượng hao gầy
Bước gần hiện tại vẫn đầy bão giông
Vết thương nhân loại đèo bòng
Vết bầm thế giới những vòng quay nhanh
Khóc hờ chén rượu tàn canh
Cười khan cạn hết bài hành Phương Đông
. . . . . .
Ngàn năm sầu dựng trường thành
Ta xin cúi lạy âm thanh sắc màu
Điệp trùng thế kỷ trôi mau
Thương câu lục bát mà đau lục bình
Quê nhà Hoa Nắng quyên sinh
Xứ người Trăng Huyết run mình chết theo
. . . . . .
Với hai câu kết chứa chan hi vọng:
Vẫn còn những bước thương mong
Còn vang ngấn tích ở trong tim người…
Những bài thơ Nguyễn Lương Vỵ viết về quá khứ còn phản ánh một thời điêu linh lửa khói đất nước. Những hình ành bức xúc không chỉ mô tả bản thân mình mà hình như của cả bao thế hệ nạn nhân cuộc chiến nồi da xáo thịt:
Tuổi thơ cháy theo nền sân gạch
Bóng tre khô lách tách chiều hôm
. . . . . .
Tuổi thơ cháy theo những con đường
Những hố bom hố mắt
Nhớ mắt ai đứng tròng lạnh ngắt
Thây ma còn nghiến răng
Gió thâm tình vuốt mặt
Đời mồ côi bao lần?!
Tuy nhiên, không hề có hờn căm, thù hận trong thơ anh. Ngược lại thiên nhiên trời đất khiến thơ như một dòng chảy tâm thức từ cao xuống thấp, từ chật hẹp đến mênh mông vô hạn, đẫm tính khoan dung tha thứ bởi thi ca kia vốn dung nạp tình thương:
…
Bởi quê hương lồng lộng Thơ Ca
Đã nâng gót đời ta nhẹ bước
Đã cho ta hình hài sau trước
Mỗi chiều hôm sấm dậy trong hồn
Như đi từ thực tại đến tận bến bờ mộng ảo:
…
Một vườn chim hót sớm mai
Lá lay niềm nhớ, mùa sai hẹn rồi
Tỉnh ra chưa hết bồi hồi
Mộng tràn líu ríu, phương trời líu lo…
Thơ Nguyễn Lương Vỵ đa dạng, anh dùng đủ mọi thể loại cho nguồn cảm hứng. Và những thể loại xưa cũ anh xử dụng rất nhuần nhuyễn. Tám bài thơ Đêm được diễn tả qua tứ tuyệt song thất lục bát thật độc đáo:
Đêm Dân Ca
Đêm dân ca la đà lục trúc
Thương tiếng buồn sương đục ngàn năm
Mịt mờ trăng – Mắt lá răm
Ta nhìn em nhớ xa xăm nẻo về…
Đêm độc huyền
Bắt chước tiếng gọi đò năm cũ
Một giây rung rừng rú quê nhà
Một dây rung, rúng lòng ta
Một đời chìm, mấy đời xa hỡi người…
Đêm khát vọng
Dẫu có được ngàn năm trước mặt
Thì Thơ ơi đã chắc chi đâu
Vèo bay chiếc lá xanh màu
Vèo bay khúc hát phượng cầu long lanh…
Dòng sông thơ NLV chính là dòng sông đời tuôn chảy trên dòng thời gian. Dòng sông thơ hay dòng sông đời này cũng chỉ là biểu hiện tâm thức qua âm vang sắc màu một định mệnh. Thơ Nguyễn Lương Vỵ tuôn chảy từ một cội nguồn đậm nét bi kịch. Nỗi cô đơn, cô tịch chập chùng trong từng bài thơ dù ngắn hay dài của anh. Không những thế, nỗi thống khổ xen kẻ trên những con chữ là biểu tượng một thứ trầm luân thường trực tác động lên con người phải chịu đựng một phận số. Do đó trong từng bài thơ anh hàm chứa chấp nhận thực tại mang căn tính “can đảm (the courage) như hành động con người, như thẩm định giá trị, là một khái niệm có tính luân lý. Tính can đảm, vốn phổ quát và thiết yếu tự xác định sự tồn tại của một con người, là một khái niệm hữu thể.[2]”
Một trăm bài ngũ ngôn tứ tuyệt cô đọng âm thanh sắc màu của dòng chảy tâm thức trong hai năm (1997-1999) lấy tên Nắng Không Màu đẫm nét hỉ nộ bi ai:
Tặng
Tặng người bài thơ mới
Rất đẹp, rất như xưa
Lệ hân hoan nguồn cội
Giọt giọt thấm trăng mùa
Nhật Ký 1
Tìm một câu thơ tím
Nắn nót bóng ngày qua
Chữ thương đau ngất lịm
Chữ tri tình xót xa
Cuối thu
Gió lay lắt mười phương
Vườn xưa đau dấu nguyệt
Những linh hồn trúc biếc
Đã bay về kêu sương
Bài thơ Xa Xôi là một tiếng thở than hay hoài vọng giữa đất trời:
Xa xôi
Thơ khắc trên ngực đá
Nghe máu bầm trên cao
Xa xôi hay máu đã
Đất với trời thâm giao
Đến âm thanh đàn nguyệt, tiếng đàn vọng trong lòng dưới bầu trời sao, để rồi chờ nhau suốt một mùa thương nhớ:
Cầm nguyệt
Trăng tan đêm cũng tàn
Đàn đa mang nhan sắc
Nhương sao trời phương Bắc
Nhớ một trời phương Nam
Động lòng
Giọt mực năm xưa đâu
Màu đêm thâu ửng nắng
Tóc trắng khóc chờ nhau
Rụng rời mùa thơ vắng
Không bài thơ nào thiếu âm vang màu sắc dù đa phần những thanh không âm và những sắc không màu là tiếng kêu của một cõi lòng buốt lạnh tình người, tình đời, tình tri kỷ trong cái cô quạnh đất trời. Thơ NLV là lời độc thoại của chính tâm thức mình trước bao la vô tận của môi trường thiên nhiên. Anh nói với một ai thật xa, có khi đã biến mất trên cõi đời, hay với nhiều con người vô hình trước mặt mà họ thực sự tồn tại trong anh như một thứ bóng hình, đồ vật kỷ niệm, âm vọng dấu yêu …
Vọng II
Những bóng đò rợp nắng
Những trời thơ vang lừng
Ngàn sông bay nở trắng
Ta khóc như chưa từng
Vọng III
Gọi mãi trong bao la
Những hồn ma phơ phất
Những bóng quế không nhà
Lạnh rồi đêm chiêu hoa
Tâp thơ Phương Ý với ba bài mở đầu Vỉa Hè như giới thiệu một đoạn đường mới sắp qua và cảm thán cho một thời vừa mất:
Vỉa hè I
Đêm lãng du thương ngày cỏ mục
Ta nhìn ta trong đục đầy vơi
Gần năm mươi tuổi rong chơi
Thiết ta gần đất xa trời xa em
Vỉa hè II
Thương một giọt nắng tà bay vụt
Trút linh hồn côi cút ngã ba
Giật mình xanh ngắt xương da
Bao nhiêu nhan sắc Thơ Ca đã chìm
Phương Ý là nơi chốn hoài cảm, là mộng của thực, là niềm hạnh phúc ngẫu tượng của linh hồn cô đơn độc hành mỏi mệt tìm thấy một trạm dừng chân, một bếp nhà ấm áp trên con đường vạn dặm. Bài lục bát “Áo Đỏ” là thứ ngẫu tượng lạ lùng tuyệt diệu ấy:
Lạ lùng áo đỏ ven sông
Sắc mây năm cũ tiếng cồng mùa xa
Cảm thương những lũy tre già
Giấc mơ vườn tược quê nhà lặng thinh
Áo bay hay máu tượng hình
Mùa thơ hồng hạc em sinh ta rồi
Sông đi núi đứng núi ngồi
Ta đi mang hết đất trời nhớ em
Hai khổ thơ sau sắc màu âm thanh vọng về của mùa ký ức:
Lạ lùng để lạ lùng thêm
Thời gian điếc nắng bên thềm ca dao
Em ơi tiền kiếp xa nào
Người đi kẻ ở muối trao lộn gừng
Bây giờ áo đỏ rưng rưng
Sắc mây vẫn vậy ngập ngừng cầm tay
Tiếng cồng rờm rợp trăng bay
Lũy tre xưa lũy tre nay tận tình…