logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 03/06/2019 lúc 08:23:36(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage

“My formula for greatness in a human being is amor fati: that one wants nothing to be different, not forward, not backward, not in all eternity. Not merely bear what is necessary, still less conceal it … but love it.” (Nietzsche - Ecce Homo)
 
Nói đến thơ Nguyễn lương Vỵ trước tiên tôi hình dung khối lượng thơ khổng lồ của anh. Làm thơ từ thở bé và xem thơ như thứ nghiệp dĩ cuộc đời thử hỏi đến tuổi gần bảy mươi, sự nghiệp thơ của Nguyễn lương Vỵ không thể đề cập đến kiểu bài thơ này hoặc tập thơ kia mà phải nói tầm vóc một đời thơ, một gia sản thi ca ấy như thế nào? Và có nói như thế cũng chỉ là gượng ép nói bởi muốn nói như thế, ít ra bạn phải mất nhiều thời gian để đọc hết các tập thơ của anh.


Tôi đọc thơ Nguyễn Lương Vỵ từ thuở còn là một sinh viên văn khoa năm thứ nhất. Lúc bấy giờ thơ anh đăng trên tạp chí Khởi Hành hoặc Văn. Tôi thích thơ anh ngoài bản thân yêu thơ, tôi còn là người luôn cổ xúy tinh thần văn nghệ của thế hệ trẻ miền Trung (đầu thập niên 1970) mà lúc bấy giờ dường như trăm hoa đua nở. Đến khi tham dự quân sự học đường khóa đầu tiên, tôi gặp anh qua một người bạn học miền Trung. Cũng khá đặc biệt là tôi cùng người bạn đến thăm anh tại bệnh viện Sùng Chính. Nguyễn Lương Vỵ bị thương do xô xát với quân cảnh trong một cuộc biểu tình của sinh viên tại trung tâm huấn luyện Quang Trung. Tôi còn nhớ, anh người nhỏ thó, ốm yếu xanh xao, tuy nhiên hết sức nhiệt tình trong khi nói chuyện. Sau đó tôi có gặp lại anh vài lần với Võ Chân Cửu khi đi uống café. Năm 1972, tôi bị tổng động viên và sau đó không gặp lại anh lần nào nữa. Khi gặp lại Nguyễn Lương Vỵ tại Mỹ năm 2008, đã gần bốn mươi năm trôi qua.  Tuy vật đổi sao dời nhưng điều tôi thích thú nhất là anh vẫn tiếp tục làm thơ và nhiệt tình làm thơ không kém những năm còn học đại học. Tôi được Nguyễn Lương Vỵ tặng thơ mỗi khi một tập thơ mới in ra và cho đến hôm nay tôi đã có sáu tập thơ của anh.
Cuối năm 2017 Nguyễn Lương Vỵ phải mổ tim và cho đến nay sức khỏe chưa được hồi phục hoàn toàn.  Đi thăm anh và thỉnh thoảng ngồi uống café với nhau, chuyện rôm rả nhất bao giờ cũng là thơ và điều làm anh lo lắng nhất là một ngày sức khỏe không cho phép anh làm thơ được nữa. Anh buồn bực nói với tôi, bấy giờ tôi an ủi anh, “nếu thơ là nguồn sống của mình thì ngày nào mình còn hơi thở, mình vẫn cứ làm thơ. Không viết, đánh máy được thì mình ghi trong đầu…” Tháng rồi nhiều bạn văn thơ chúc mừng sinh nhật anh, tôi không có điều kiện viết bài vì quá bận công việc. Hôm nay tôi viết bài này đóng góp chút tri tình bằng hữu về một đời thơ tầm vóc của anh. Tuy nhiên, tôi chỉ đọc tuyển tập Thơ bốn mươi lăm năm (1969-2014) của anh. Quyển sách dày gần bảy trăm trang, tôi đọc chừng mực với một số bài tiêu biểu và viết trong khả năng hiểu biết về thơ hạn hẹp của mình. Tôi mong rằng chút đóng góp này thay thế lời chúc mừng sinh nhật trể và là món quà tinh thần giúp anh sớm bình phục sức khỏe.


*


Nói đến yêu thương định phận (Amor fati) có nghĩa sự vượt qua đau thương và mất mát trong cuộc đời bằng vào tình yêu thương hòa giải những thù hận, mâu thuẫn mà định mệnh mang đến. Nếu đỉnh cao của triết lý là thi ca thì phải chăng tiếng thơ Nguyễn Lương Vỵ biểu hiện một thái độ sống đẹp đẽ, trung thực trên nền bi kịch của một thời kỳ điêu linh lịch sử dân tộc.
 
Yêu Thương định phận (Amor fati) là sức mạnh của ý chí quyết định phương thức tồn tại bản thân mà không hề phản kháng lại bao mâu thuẫn, tốt xấu, lầm lẫn hoặc khôn ngoan của quá khứ. Chỉ một mực yêu thương nồng nhiệt vượt lên trên những gì đã xây đắp thành tập quán truyền thống con người, thì chủ đề Âm Vang Sắc Màu đủ để miêu tả hết một đời thơ Nguyễn Lương Vỵ. Những Phương Ý, Hòa Âm, Huyết Âm, Tinh Âm. . . chỉ là chi tiết (break down) của Âm Vang Sắc Màu mà thôi! Tại sao? Vì thơ NLV chính là âm vang sắc màu cuộc đời mà chính chủ thể khả hữu biểu hiện. Thế nên âm mà không vang hay âm vang không hiện hữu trong không gian mà chỉ là âm vọng tâm hồn. Sắc màu cũng thế, sắc mà không màu vì nó thâu tóm mọi màu sắc của một đời bất hạnh, nếu không nói chính nó miêu tả nỗi đau đớn xâu xé tâm hồn con người trong nghịch cảnh. Điểm đặc biệt là Âm vang Sắc màu một thể thống nhất chứ không tách biệt phạm trù có nghĩa trong Âm vang có Sắc Màu và trong Sắc Màu cũng mang đủ tố chất Âm vang. Tôi xin nhấn mạnh điểm này trong cõi thơ Nguyễn Lương Vỵ cốt tránh hiểu lầm một tập thơ của anh mang tên Âm Vang và Sắc Màu. Âm vang Sắc màu trong cõi thơ Nguyễn Lương Vỵ bắt đầu từ một biến cố bất hạnh cùng cực gia đình: nỗi đau đớn khi chứng kiến cái chết của cha, chú và bao mất mát chia lìa khác tạo nên nỗi bi thương ám ảnh trong suốt hành trình cuộc đời. 
 
Nguyễn Lương Vỵ (NLV) thoát ly gia đình rất sớm. Hoàn cảnh gia đình đẩy anh ra ngoài xã hội để tự lực mưu sinh. Và dù phải đấu tranh khốn khó cùng cực ngoài xã hội không dập tắt tâm hồn thi ca NLV. Thử thách trong cuộc sống là chất liệu tuyệt hảo biểu hiện qua nhận thức âm vang màu sắc trong cảm hứng. Bài thơ Thanh Ca gồm 345 chữ viết theo thể văn xuôi (prose) như một tuyên ngôn:
 
“Cám ơn mộng mị cám ơn đời thường cho ta giàu tưởng tượng cho ta giàu thơ ca từ buổi đầu xanh chưa ráo máu đến bây giờ vẫn còn mang theo muôn triệu mặt trời lung linh giữa trần gian tràn sắc nắng bay qua ngực rộng bay qua mãi mãi bay qua đến bao giờ chẳng biết nhưng ta biết thơ ca là chiếc lá diệu kỳ là chiếc hôn diệu vợi của nòi tình muôn triệu năm . . . . . . . ta thèm đi suốt xứ thèm phố phường rừng núi ruộng đồng thèm ao suối sông hồ biển nhỏ biển to thèm niềm vui thèm nỗi buồn thèm em thèm tất cả xương da mộng mị đời thường cho thi ca càng bổ khỏe phương phi vì nhau mà sống vì nhau mà chết nên chẳng dễ gì ta chép hết khúc Thanh Ca...”
 
Tên bài thơ phản ánh đậm nét tình yêu thương cuộc sống, cuộc đời vốn tràn đầy đau thương phẫn hận này của anh. Cho nên nếu có tiếng gầm thét cuồng nộ của âm vang hay màu sắc chói chan của tức giận cũng chỉ là lý do sản sinh một tình yêu thương vượt qua số mệnh (Amor Fati) nặng tính triết lý bi kịch.
 
Thơ Nguyễn Lương Vỵ biểu hiện thứ Tri thức hoan say (Le Gai Savoir) với cảm hứng như dồn dập bất tận trong đời thường dù nghịch cảnh, nội dung bao hàm sự khoan thứ dung dị xuất phát từ sự phủ định mang tính nhân bản trong trong triết lý Nietzsche[1] về con người (Ecce Homo).
Bên cạnh đó thơ Nguyễn Lương Vỵ còn diễn tả bao nỗi trớ trêu bi kịch phản ánh bộ mặt thật xã hội dưới lăng kính nhận thức của tâm hồn.
Ba bài thơ đầu tiên viết vào năm 1969 lúc Nguyễn Lương Vỵ 16 tuổi có thể giới thiệu Mở đầu cho một đời làm thơ. Âm Sắc biểu hiện rõ nét trong “Nửa đêm thức dậy nhìn mây trắng”:  
 
Lung linh hồn quê cũ
Mây trắng phủ khắp trời
Nhớ trăng khô hết máu
Muôn trùng dặm núi ơi!!!
 
Không thời gian đậm nét trong bốn câu mà nỗi oan khiên số mệnh biểu hiện. Đây là tiếng kêu gào một thời nào đó đã qua, đã xóa nhòa từ một ký ức cùng khốn đồng thời khát vọng được trở về một quê nhà xa xăm bình yên đã mất.  Hai bài “Cảm Ứng” và “Chiều Câm” cho thấy tính tượng trưng, từ thực tại phổ qua một cảm xúc và biến cố quá khứ lại càng hàm chứa Âm Vang Sắc Màu nội tại hơn nữa:
 
Cảm Ứng
 
Biển đắp một tòa sương
Lạnh đôi bờ vú nhỏ
Nàng tắm trong tịch dương
Núi gầm lên khóc nhớ
 
Chiều Câm
 
Mẹ băng huyết giữa đồng
Đứa em chưa kịp tượng
Trôi tuốt ngoài thinh không
Chập chờn con bướm lượn
 
HÌnh ảnh biểu tượng “Núi gầm lên khóc nhớ” hay ba câu thơ đầu của bài “Chiều Câm” cho thấy một bất lực thực tại. Thực ra Âm vang Sắc màu trở thành chủ đề chính cuộc đời anh bởi sự chắt lọc những đối kháng bi đát mà tâm tư tình cảm nhận được từ cuộc đời thường. Tinh âm, Huyết âm, Hòa âm âm, Phương ý … chính là những chắt lọc đối kháng nhận thức phổ trên những con chữ. Trong bao chắt lọc này có đủ đau thương khốn cùng nhưng cũng không thiếu chất lãng mạn trữ tình rất mực. Bài thơ “Tinh âm Thu” viết năm 1973 mở đầu:
 
Bạo tàn thu
Âm u mồ thu vắng
Nhập hồn trăng đá trắng lạnh lùng thu
Hờn tử biệt gió đã về bên xứ
Máu oan linh giãy giụa nát rừng thu
. . .
 
Và kết luận tinh âm thu chỉ là nỗi quạnh hiu khi nghe tiếng thu chan hòa:
 
Ôi bạt mạng phút linh cầu gieo hạt
Âm sáng lừng thơm ngát dậy rừng thu
 
Thâm tử chan hòa thu
Mây rừng thu cô tịch
Trời bâng khuâng ôm chiếc bóng lạc loài . . .
 
Đến “Tinh âm Hoa” đặc biệt hơn nữa ý niệm chắt lọc từ hoa là một hoài cảm tương tác nhận thức từ hồn hoa cho đến trời hoa của một thực tại không bến bờ.  Nhà thơ xử dụng hai chữ Lịch kiếp, Cổ lâu mang ý nghĩa thời gian và không gian trong hoài cổ. Nó khơi gợi niềm luyến tiếc lại vừa cảm thương thân phận:
 
Chào kẻ lạ giữa đời quen lịch kiếp
Bước chân qua chiều khép lạnh hồn hoa
Trời xuôi ngược những hình ma không hẹn
Ghé về thăm heo hút cõi lòng ta
 
Khơi nhẹ âm hồn hoa
Đưa nắng tà qua tóc
Cổ lâu ơi đừng khóc nữa vì người
Tay vẫy nhẹ xa vời hương sắc cũ
Cổ lâu ơi xanh ngát nụ hoa câm
. . .
 
Đến Âm thanh Sắc màu trong bài thơ “Màu luyến ái”:
 
Trái mận cuối mùa không nở hái
Sợ cuống bơ vơ sợ lá đau
Ta muốn nhìn lâu màu luyến ái
Màu tim rung động đến ngàn sau…
 
Và “Màu ngây dại” hết sức tiêu biểu cho âm không thinh (vang), màu không sắc:
 
Ước gì trở lại bên vườn cũ
Nghe chim chèo bẻo hót thinh không
Màu ngây dại bông trang vừa nhú
Màu mây trôi mát rượi cả lòng…
 
Bài thơ “Một thoáng Đà Nẵng” mô tả một phần đoạn đời xa nhà của mình khá sinh động và cảm động. Ngồi trên bờ biển gẫm một quá khứ từng có một tuổi thơ:
. . .
Trở về ngồi lặng yên với biển
Bãi cát còn sót lại những giợn sóng
Đã rút đi xa
Như quá khứ
Những sợi tóc vàng cháy
Vắt ngang qua ánh mặt trời
Vắt ngang qua lưng núi
Mười lăm năm
Ngày trở về không hẹn trước
Âm thầm như bóng mây
. . .
Tuổi thơ của mình
Có một chiếc đinh
Rung rinh giữa trán
. . .
Tuổi thơ của mình
Có một vết cứa
Lặng im rách tim
. . .
 
Vết thương nhân loại hay vết bầm thế giới là điển hình bi kịch con người mà “Âm Vang Sắc Màu” của nó khiến tác giả cười khóc trên mỗi bước chân trong hành trình cuộc đời. Bài thơ chỉ hai khổ mười câu diễn tả khá khốc liệt:
 
. . . . . .
Bước xa viễn tượng hao gầy
Bước gần hiện tại vẫn đầy bão giông
Vết thương nhân loại đèo bòng
Vết bầm thế giới những vòng quay nhanh
Khóc hờ chén rượu tàn canh
Cười khan cạn hết bài hành Phương Đông
. . . . . .
 
Ngàn năm sầu dựng trường thành
Ta xin cúi lạy âm thanh sắc màu
Điệp trùng thế kỷ trôi mau
Thương câu lục bát mà đau lục bình
Quê nhà Hoa Nắng quyên sinh
Xứ người Trăng Huyết run mình chết theo
. . . . . .
Với hai câu kết chứa chan hi vọng:
Vẫn còn những bước thương mong
Còn vang ngấn tích ở trong tim người…
 
Những bài thơ Nguyễn Lương Vỵ viết về quá khứ còn phản ánh một thời điêu linh lửa khói đất nước. Những hình ành bức xúc không chỉ mô tả bản thân mình mà hình như của cả bao thế hệ nạn nhân cuộc chiến nồi da xáo thịt:
Tuổi thơ cháy theo nền sân gạch
Bóng tre khô lách tách chiều hôm
. . . . . .
Tuổi thơ cháy theo những con đường
Những hố bom hố mắt
 
Nhớ mắt ai đứng tròng lạnh ngắt
Thây ma còn nghiến răng
Gió thâm tình vuốt mặt
Đời mồ côi bao lần?!
 
Tuy nhiên, không hề có hờn căm, thù hận trong thơ anh. Ngược lại thiên nhiên trời đất khiến thơ như một dòng chảy tâm thức từ cao xuống thấp, từ chật hẹp đến mênh mông vô hạn, đẫm tính khoan dung tha thứ bởi thi ca kia vốn dung nạp tình thương:

Bởi quê hương lồng lộng Thơ Ca
Đã nâng gót đời ta nhẹ bước
Đã cho ta hình hài sau trước
Mỗi chiều hôm sấm dậy trong hồn
 
Như đi từ thực tại đến tận bến bờ mộng ảo:
 

Một vườn chim hót sớm mai
Lá lay niềm nhớ, mùa sai hẹn rồi
Tỉnh ra chưa hết bồi hồi
Mộng tràn líu ríu, phương trời líu lo…
 
Thơ Nguyễn Lương Vỵ đa dạng, anh dùng đủ mọi thể loại cho nguồn cảm hứng. Và những thể loại xưa cũ anh xử dụng rất nhuần nhuyễn. Tám bài thơ Đêm được diễn tả qua tứ tuyệt song thất lục bát thật độc đáo:
 
Đêm Dân Ca
 
Đêm dân ca la đà lục trúc
Thương tiếng buồn sương đục ngàn năm
Mịt mờ trăng – Mắt lá răm
Ta nhìn em nhớ xa xăm nẻo về…
 
Đêm độc huyền
Bắt chước tiếng gọi đò năm cũ
Một giây rung rừng rú quê nhà
Một dây rung, rúng lòng ta
Một đời chìm, mấy đời xa hỡi người…
 
Đêm khát vọng
Dẫu có được ngàn năm trước mặt
Thì Thơ ơi đã chắc chi đâu
Vèo bay chiếc lá xanh màu
Vèo bay khúc hát phượng cầu long lanh…
 
Dòng sông thơ NLV chính là dòng sông đời tuôn chảy trên dòng thời gian.  Dòng sông thơ hay dòng sông đời này cũng chỉ là biểu hiện tâm thức qua âm vang sắc màu một định mệnh. Thơ Nguyễn Lương Vỵ tuôn chảy từ một cội nguồn đậm nét bi kịch. Nỗi cô đơn, cô tịch chập chùng trong từng bài thơ dù ngắn hay dài của anh. Không những thế, nỗi thống khổ xen kẻ trên những con chữ là biểu tượng một thứ trầm luân thường trực tác động lên con người phải chịu đựng một phận số. Do đó trong từng bài thơ anh hàm chứa chấp nhận thực tại mang căn tính “can đảm (the courage) như hành động con người, như thẩm định giá trị, là một khái niệm có tính luân lý. Tính can đảm, vốn phổ quát và thiết yếu tự xác định sự tồn tại của một con người, là một khái niệm hữu thể.[2]”
 
Một trăm bài ngũ ngôn tứ tuyệt cô đọng âm thanh sắc màu của dòng chảy tâm thức trong hai năm (1997-1999) lấy tên Nắng Không Màu đẫm nét hỉ nộ bi ai:
 
Tặng
Tặng người bài thơ mới
Rất đẹp, rất như xưa
Lệ hân hoan nguồn cội
Giọt giọt thấm trăng mùa
 
Nhật Ký 1
Tìm một câu thơ tím
Nắn nót bóng ngày qua
Chữ thương đau ngất lịm
Chữ tri tình xót xa
 
Cuối thu
Gió lay lắt mười phương
Vườn xưa đau dấu nguyệt
Những linh hồn trúc biếc
Đã bay về kêu sương
 
Bài thơ Xa Xôi là một tiếng thở than hay hoài vọng giữa đất trời:
 
Xa xôi
Thơ khắc trên ngực đá
Nghe máu bầm trên cao
Xa xôi hay máu đã
Đất với trời thâm giao
 
Đến âm thanh đàn nguyệt, tiếng đàn vọng trong lòng dưới bầu trời sao, để rồi chờ nhau suốt một mùa thương nhớ:
 
Cầm nguyệt
Trăng tan đêm cũng tàn
Đàn đa mang nhan sắc
Nhương sao trời phương Bắc
Nhớ một trời phương Nam
 
Động lòng
Giọt mực năm xưa đâu
Màu đêm thâu ửng nắng
Tóc trắng khóc chờ nhau
Rụng rời mùa thơ vắng
 
Không bài thơ nào thiếu âm vang màu sắc dù đa phần những thanh không âm và những sắc không màu là tiếng kêu của một cõi lòng buốt lạnh tình người, tình đời, tình tri kỷ trong cái cô quạnh đất trời. Thơ NLV là lời độc thoại của chính tâm thức mình trước bao la vô tận của môi trường thiên nhiên. Anh nói với một ai thật xa, có khi đã biến mất trên cõi đời, hay với nhiều con người vô hình trước mặt mà họ thực sự tồn tại trong anh như một thứ bóng hình, đồ vật kỷ niệm, âm vọng dấu yêu …
 
Vọng II
Những bóng đò rợp nắng
Những trời thơ vang lừng
Ngàn sông bay nở trắng
Ta khóc như chưa từng
 
Vọng III
Gọi mãi trong bao la
Những hồn ma phơ phất
Những bóng quế không nhà
Lạnh rồi đêm chiêu hoa
 
Tâp thơ Phương Ý với ba bài mở đầu Vỉa Hè như giới thiệu một đoạn đường mới sắp qua và cảm thán cho một thời vừa mất:
 
Vỉa hè I
Đêm lãng du thương ngày cỏ mục
Ta nhìn ta trong đục đầy vơi
Gần năm mươi tuổi rong chơi
Thiết ta gần đất xa trời xa em
 
Vỉa hè II
Thương một giọt nắng tà bay vụt
Trút linh hồn côi cút ngã ba
Giật mình xanh ngắt xương da
Bao nhiêu nhan sắc Thơ Ca đã chìm
 
Phương Ý là nơi chốn hoài cảm, là mộng của thực, là niềm hạnh phúc ngẫu tượng của linh hồn cô đơn độc hành mỏi mệt tìm thấy một trạm dừng chân, một bếp nhà ấm áp trên con đường vạn dặm. Bài lục bát “Áo Đỏ” là thứ ngẫu tượng lạ lùng tuyệt diệu ấy:
 
Lạ lùng áo đỏ ven sông
Sắc mây năm cũ tiếng cồng mùa xa
Cảm thương những lũy tre già
Giấc mơ vườn tược quê nhà lặng thinh
 
Áo bay hay máu tượng hình
Mùa thơ hồng hạc em sinh ta rồi
Sông đi núi đứng núi ngồi
Ta đi mang hết đất trời nhớ em
 
Hai khổ thơ sau sắc màu âm thanh vọng về của mùa ký ức:
 
Lạ lùng để lạ lùng thêm
Thời gian điếc nắng bên thềm ca dao
Em ơi tiền kiếp xa nào
Người đi kẻ ở muối trao lộn gừng
 
Bây giờ áo đỏ rưng rưng
Sắc mây vẫn vậy ngập ngừng cầm tay
Tiếng cồng rờm rợp trăng bay
Lũy tre xưa lũy tre nay tận tình…
song  
#2 Đã gửi : 03/06/2019 lúc 08:24:37(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Tập thơ Phương Ý với hai mươi bảy bài thơ mang nội dung hoài cảm từ thế giới vật chất đến lĩnh vực tinh thần hay cả hai phạm trù trộn lẫn vào nhau:

Dự cảm I
. . . . . .
Phương trời đó có ai về mỗi lúc
Bến bờ kia nườm nượp bóng sinh linh
Thơ hối hả bởi nhiều khi bất lực
Bởi oan khiên đâu phải chỉ riêng mình

Có khi một nỗi buồn xé ruột
Nhớ gì đâu vầng trán ướt mưa ngâu
Mùa dự cảm cũng đành không níu được
Một lời câm hóa đá đến ngàn sau

Phố cổ Hội An
Phố bên sông, sông bên phố
Tĩnh vật ngồi, tĩnh vật nằm
Ngói cũ thì thầm viễn xứ
Ta về, ngó sững trăm năm
. . . . . .
Phố cổ chuông trầm như nhạc
Trầm mơ như những mái nhà
Nằm nghe trăng mùa lưu lạc
Rêu phong u uẩn thơ ca…

Nguyễn Lương Vỵ làm thơ như một nhu cầu sinh tồn và đậm nét tồn sinh (nói theo kiểu Bùi Giáng) thế nên cảm hứng là nỗi hoan lạc cùng tột như đã đề cập kiểu tri thức hoan say (The Gay Science) của Nietzsche. Sang “Hòa âm âm”, chữ âm anh xử dụng thật tuyệt diệu. Âm ban đầu chính là âm vang của cảm hứng nhưng vào trong ngữ cảnh, ngữ điệu Âm trở thành đối tượng Âm Dương. Và sắc lúc này càng nổi bật hình ảnh màu sắc của âm thanh và của người đàn bà cùng tất cả những phần âm còn lại của xúc cảm giới tính.

Độc tấu II
. . . . . .
Ta nhún một cung trầm
Âm hao xanh đáy vực
Âm mao xanh vĩ cầm
Âm em bay sáng rực

Độc tấu III
Thơ bắt đầu rụng xuống
Là kinh kỳ réo lên
Một cung thương hợp xướng
Một bè cao gọi tên

Gọi tên em là Mẹ
Mẹ đẻ ra ngàn năm
Tử cung âm sấm chẻ
Sáng lóa đại hồ cầm
. . . . .

Thơ lúc bấy giờ cốt tủy xương da phơi bày. Đấy là bi kịch của thơ nhưng cũng là bản chất của thi ca nếu không là bài hòa âm bất tuyệt của sinh mệnh chính mình. Ở Hòa âm không dừng lại mà còn tiếp tục âm, âm âm… bài thơ “Thơ về thơ III” đã diễn tả không sót một cõi bi ca:

Chữ tươi mài tinh huyết
Bông tuyết đỏ trong hồn
Bông tuyết trắng đầu non
Mưa truồng phơi nắng lạ

Sắc âm quyện vào nhau miêu tả nỗi xót xa hoan lạc từ cảm hứng vực lên trong vô thức, nhưng vẫn tiếp tục đắm chìm trong cô liêu và thơ một lần nữa phản ánh bản chất vô thường của cõi người ta:

Thèm em thèm tất cả
Hương kinh nguyệt đất trời
Thu Không rụng một lời
Một đời ta hứng trọn

Thương em đau cỏ mọn
Hạt bụi xót hiên ngoài
Hạt nát tan chiều phai
Thơ rền trên vách núi

Một câu thơ chết đuối
Vớt lên trong bao la
Nghe lạnh hết xương da
Bưng mặt không dám hỏi…

Có lẽ bài thơ “Chân Dung” nhà thơ NLV nói lên cảm nghĩ lý do mà trong cảm hứng tại sao âm, tinh, huyết trở thành ẩn ngữ trong thơ anh. Đầu cổ độ (đầu bến cũ) nhưng đuôi tân thanh (đuôi tiếng mới) cũng đã là ẩn ngữ bài thơ:

. . . . . .
Kỳ bí nhất là khi con chữ
Kêu thất thanh không biết về đâu
Đầu cổ độ cố nhân lùa ẩn ngữ
Đuôi tân thanh rụng trận gió sơ đầu

Đâu biết được ta vẫn ngồi vẽ bóng
Bóng đùa dai em giỡn mặt ta hoài
Chân dung ảo thơ rền thạch động
Nước khua rằm rụng xuống hai vai
. . . . . .

Trong bài thơ bảy chữ “Mận”, NLV trở về nét lãng mạn nguyên sơ của dòng thơ cổ điển, tuy nhiên âm sắc lúc nào cũng nổi bật:

. . . . . .
Mận chín bên trời một sắc mây
Đất khô cây hạn chắc em gầy
Còn ta lưu lạc, say vì nhớ
Thơ chép câu thừa – Chữ đứng ngây

Chữ đứng im ta chìm theo âm
Nắng khuya ràn rụa phím dương cầm
Phố khuya bên ấy em còn thức
Còn mận em hồng thơm trước sân?!

Âm trải suốt theo từng nơi chốn nhà thơ NLV đi qua. Đi qua đây cũng có nghĩa đến và trở về. Trên cuộc hành trình năm tháng này, mỗi lần trở về tác giả xem như một vòng tròn mang theo thứ tự thời gian (chronological) thế nên bài thơ Sử Lịch diễn tả tâm trạng ấy trên từng con chữ: Sử Lịch chính là nỗi đau của một tấm lòng mỗi lần thấy lại quê nhà gợi nhớ những bi đát oan khuất một thời. Màu Huyết Hoa tức hoa máu nhắc lại một thời khắc không quên, hay nổi ám ảnh khôn nguôi trong lòng tác giả dù đôi lúc anh cho là mộng:

. . . . . .
Gió ngu ngơ nào biết Huyết Hoa
Đền miếu cũ ngủ vùi thương nhớ
Màu sử lịch Huyết Hoa vừa nở
Nắng lừng hương nơi chốn ta về

Chốn ta về là chốn Nhà Quê
Gắp vài đũa lùa theo nước mắt
Muối vẫn mặn âm vang mùa gặt
Gừng vẫn cay thanh sắc Ca Dao

Chốn ta về lục trúc chiêm bao
Hai mắt nhắm canh chừng tiếng động
Cỏ vẫn hát giọt ngần sương mỏng
Gọi ngàn thâu đau đáu bước chân

Trong những năm 2002-2006 bài thơ nào NLV sáng tác cũng đều có chữ Âm. Âm lúc này nặng nhạc tính như Huyền âm, Dương cầm thu, Vĩ cầm thu, Vĩ thanh hoa, Tuyệt bi âm, Hòa âm âm âm âm… có nghĩa anh muốn diễn tả cảm hứng bản thân trên âm thanh hay cầm âm lưu trong hồn anh bao lưu luyến tình yêu quá khứ. Bài thơ “Đôi Mắt Vĩ Cầm Thu” điển hình cho âm thanh gợi một bóng hình khá lãng mạn:

Đất khách ngợ ngàng đôi mắt
Vĩ Cầm Thu thầm nhắc lá đau Thu
Ta không lãng mạn vì đôi mắt
Vì tiếng vang kia! Lá Vĩ Cầm Thu
. . . . . .
Em khóc tím than. Chiều phai không hết
Bầm tím bóng ta cho em kết tím hoa
Chiều phai. Chiều vẫn phai không hết
Ta chết tím đàn. Lá chết tím hoa

Hãy gom hết biệt ly trong đôi mắt
Hãy sưởi dùm ta cơn lạnh tím đàn
Và đừng nhắc biệt ly trong đôi mắt
Vĩ Cầm Thu xanh máu lá. Tím đàn…

Bài thơ trên âm sắc có đủ, từ tượng thanh cho đến tượng hình và không thiếu tao ngộ lẫn biệt ly. Những tập thơ về sau nội dung mang biến tấu của Âm. Chữ Âm được đẩy đến cực đại ý nghĩa qua xử dụng và đôi khi biến thành sản phẩm của vô thức. Như có đề cập ở trên, âm sắc là chủ đề một đời thơ Nguyễn Lương Vỵ nhưng tùy theo nội dung tập thơ mà chữ Âm biến thành đa nghĩa. Cường độ xử dụng âm cũng theo thứ tự từ xúc cảm tích cực đến tiêu cực, từ âm thanh êm đềm diệu vợi của dương, vỹ cầm cho đến tiếng kêu, thét, gầm rú phẫn nộ của xúc cảm mang tính vô thức. Nhưng tựu chung đều xuất phát từ nỗi cô đơn thống khổ cùng cực. Nỗi cô đơn tràn ngập trên các trang thơ NLV. Âm chính là tiếng vọng từ một thế giới nội tâm chất chứa những mâu thuẫn xung đột giữa các sự kiện, biến cố quá khứ; theo thời gian chồng chất trong vô thức tạo điều kiện chỗi dậy, cộng hưởng thông qua hồi ức hay từ những chuyến ra đi hoặc trở về của nhà thơ. Bài Tuyệt Bi âm là nghe âm Hoa, âm Đá, âm Truông đèo … để rồi buốt lạnh đời:

Vuốt mắt sắc tím hát
Nghe âm hoa trong veo
Nghe âm đá cuốn theo
Nghe truông đèo gieo hạt
. . . . .
Buốt buốt buốt buốt buốt
Nghe mưa âm âm âm
Nghe hết những đời câm
Nghe trầm mình gió rút

Đến tập Huyết âm, Âm bấy giờ trở thành cuồng âm của vô thức. Tuy nhiên, trong đề tựa Âm Vọng Huyết Âm bốn câu thơ: Đêm trăng không tới ai/Phai hết bài thơ cũ/Bọt nước gió quên cài/Hồn xanh ươm một nụ lại đưa chúng ta đến một bến bờ âm sắc khác: một thuở hoa niên, một thời hoa mộng. Dù đớn đau, phiền muộn cũng còn một màu xanh tương lai. Đấy là Âm của thiết tha hi vọng. Bốn câu thơ trên viết 1970 mở đầu cho tập Huyết Âm mà nội dung của nó có thể khiến cho những người muốn tìm âm vang của thơ chỉ thấy sự cuồng nộ tâm thức. Anh tự nhận mình là Ma, con ma Ta:

. . . . . .
Róc!!!
Bóng ngày chìm trong bóng đêm.
Đêm rất huyền.
Thơ xanh um.
Con Chữ. con Âm rầm rì sinh linh.
Bóng Ta chìm trong bóng Ma.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ giải thích:

. . . . . .
Bóng Ta chìm trong bóng Ma.
Bóng Ma chìm trong bóng Ta.
Huyết Âm?
Âm vang của máu và lệ.
Máu?
Ngày chìm trong đêm.
Lệ?
Đêm chìm trong ngày.
Biến và Dịch đến vô cùng
Âm vọng Huyết Âm?
Như dự cảm:
. . . . . .
Tập thơ Huyết Âm là sự trộn lẫn giữa hư và thực mà dười lăng kính Phân tâm[3] (Psychoanalysis) những bài thơ là sự trỗi dậy các sự kiện tâm lý quá khứ cho đến hiện tại, chồng chất trong vô thức mà tùy theo hoàn cảnh thực tại cảm hứng vực dậy trở thành thơ. Theo phân tích chuyên môn những bài thơ dạng này khó hiểu, khó giải thích nhưng rất độc đáo, phi thường. Do đó 81 bài thơ trong tập Huyết Âm được trích dẫn một số sau đây theo cảm quan của riêng tôi, xin phép trước tác giả để có điều gì tôi giải thích quá đáng hoặc sai lệch không đúng ý bài thơ mong anh bỏ qua cho.

Thơ trong tập Huyết Âm, thuần âm theo nghĩa âm dương, và mượn đối tượng người phụ nữ qui chiếu hành vi. Bài 37: Khởi kỳ thủy là Âm?! Càng nói rõ vai trò người nữ trong nhiều bài thơ trong tập Huyết âm. Như tác giả giới thiệu Huyết âm là âm vang của máu và lệ thì bài đầu tiên hành động Róc có nghĩa là dùng dao chẻ, xẻ vỏ (róc mía): Róc Huyết âm/đá khóc/Xanh/Tuyệt đối… Trong liên tưởng tôi nhớ đến Lệ đá xanh, một câu thơ của Thanh tâm Tuyền (Lệ là những viên đá xanh) nhưng thơ của NLV đây lại là âm của máu lệ, và bài thơ bảo rằng khi róc âm thanh của máu lệ tức của huyết âm/xanh tuyệt đối bởi đá phải khóc… Xanh biến thành động từ: làm thành màu xanh, biến ra màu xanh và trong bài thơ Xanh Tuyệt đối. Như thế màu đỏ của máu (lệ) trở thành xanh. Đây chính Âm vang Sắc màu đúng nghĩa nhất.

Bài thơ 3 và 4 là dụ ngôn về giới tính để chuyển về cấu trúc sinh lý hay chu kỳ sinh tồn con người: Gái rộn giòng trăng/Cuồng huyết hương Mười Sáu/Cỏ thi/Băng!!! Và Huyết âm mao/Sấm chẻ/Xé/Thiên cao…

5.
Mẹ huyền vi
Rung huyết
Đón tinh cha

A Gái huyền
Đẻ đái
Cái Người-Ma

Tác giả dùng nhiều ẩn ngữ, dụ ngôn phơi bày một ám ảnh trong chiếc khung vô thức (unconscious). Đấy có thể bản năng tính dục (libido) theo cấu trúc tâm sinh lý từ bản thể con người theo quan điểm Freud. Tuy nhiên thi ca là thứ lăng kính mà bản năng trổi dậy khúc xạ biến thành ẩn ngữ dụ ngôn khiến những cảm hứng bất chợt như bắt gặp tiền kiếp của mình. Lúc này bài thơ trở thành sản phẩm của cảm xúc tôn giáo mà cá nhân nhà thơ, theo quan điểm của nhà phân tâm học C. Jung, hình thành nhân cách từ một tập thể vô thức (collective unconscious) áp dụng theo chiều dài của cuộc chiến tranh suốt thời thanh niên. Và hệ luận chiến tranh là bi kịch nhân loại, ở đây thơ phiên bản một tâm thức điêu tàn mạt vận, nạn nhân chính thời đại mình qua vô thức:

27.
Ấm ớ cửa mình Thái Cực
U hoài hai mép Lưỡng Nghi
Mắt trừng hứng huyết âm thi…

Đến cơn điên trong lưu đày:

47.
Nhiều khi
Điên hơn một cơn điên
Điên hơn một số phận
Người bạn khuấy ly cà phê đen và nói
Biển hôm nay bên ấy
Rất xanh
-Ừ! Đã vậy
. . . . . .

Rất nhiều khi
Điên hơn một cơn điên
Điên hơn một số phận
Ly cà phê đen nhấn chìm ta trong bóng đêm
Khát
Mịt mùng
Biển rất vắng và rất ốm
Bóng ta đen trong đen
. . . . . .

Những khổ thơ ba chữ kể lể là nỗi bế tắc thực tại như một trò đùa thời gian: … Bây giờ/Không ngủ nữa/Huyết âm hứa/Sẽ cho xem/Một nhành đêm/Đang đứng ngọ/Một nhánh gió/Đang đứng trưa/Một cơn mưa/Đang khúc khích/Một cú hích/Đang động phòng/Một chốc mòng/Đang động cỡn/Một cái trớn/Đang giỡn chơi/Một cái nơi/Vô sở trụ…

Bài 21 có bốn khổ thơ bảy chữ. Hai khổ thở đầu diễn tả Nghe và Thấy: Uống máu lệ nghe tinh âm và uống máu lệ thấy tiếng hót. Thực ra thấy tiếng hót chính là nghe hót, nhưng thấy trong nghe tỏ cho thấy nghe âm vang thấy sắc màu. Khổ thơ thứ ba diễn tả thái độ uống máu lệ qua nghe và thấy. Khổ thơ cuối đúc kết lý do uống máu lệ nghe thấy chỉ là một vết thương tiền kiếp không bao giờ xóa nhòa:

21.
Độc ẩm huyết âm nghe tinh âm
Mắt nguyên âm bừng ánh lửa câm
Đó đây có ai vừa thở hắt
Vừa bay theo sông núi rì rầm

Độc ẩm huyết âm thấy tiếng hót
Tiếng ca hoàng yến rót vơi đầy
Vũ trụ thì xanh và … lặng ngắt
Còn ta rêu bám tiếng cười … ngây!!!

Độc ẩm huyết âm lưng thẳng đứng
Câu thơ hứng chí múa xanh xương
Cốt tủy hòa thanh bay tám hướng
Mười phương bướm gáy rách tinh sương

(Vết thương ta ủ trong tiền kiếp
Mỗi chữ oan khiên núi hóa ngồi
Giọt huyết bơ vơ lơ láo nhịp
Lầm bầm cho đỡ nhớ
Vậy thôi!!!)

Bài thơ 38 phản ánh mối tương quan Mẹ và Huyết âm chan chứa ngậm ngùi thân phận. Thấy Mẹ, gặp Mẹ là thấy hết một kiếp người mà qua huyết âm là qua máu lệ để thấy khúc đoạn trường:

Con về bên Mẹ nghe huyết âm
Nghe tủy xương réo rắt mưa dầm
Có lịch kiếp chảy xiết huyễn ảo
Cho tuyệt cùng âm âm điếc thâm

Con về bên Mẹ thấy tuyết đỏ
Thấy tủy xương trong veo vút gió
Có trầm luân chảy theo tiếng chuông
Cho hồn cháy xanh um cổ độ
. . . . . .
Con về bên Mẹ nghe tà dương
Nghe tiếng kêu chiêm chiếp đoạn trường
Đất trời tuyệt tự, thơ tuyệt mệnh
Ươm nụ huyết âm dầm buốt hương
. . . . . .

Năm 2008, nhiều bài thơ Tinh Âm ra đời. Tinh âm là đỉnh cao của huyết âm về chữ và nghĩa. Có thể nói ba bài Tinh âm đầu tiên đủ cho thấy ý nghĩa của Tinh âm:

I.
Nghĩa đời trong lá khô
Ý đời trong mầm biếc…

II.
Cồi máu phơi tiếng hú
Óc phơi ngọn nến mù…

III.
Muôn chiều. Chiều hết đời
Muôn đời. Đời phơi thây…

Nhóm thơ bốn chữ Ảo hóa và Thi tụng diễn tả đặc trưng nỗi chia lìa đoạn tuyệt qua cái chết mang âm hưởng của một bài kinh cầu nguyện. Tuy ý nghĩa từng câu thơ cũng là nỗi lòng ưu tư đặc biệt của tác giả đối với người đã chết nhưng cũng gói trọn âm điệu cảm thán của cuộc vô thường:

Chỉ là ảo hóa
Bên này bên kia
Bên nào cũng vậy
Hai chữ chia lìa

Chúng ta: Hạt bụi
Dấu chấm sinh linh
Dấu hỏi vô minh
Dấu huyền vô tận
. . . . . .

Và bài thơ Ngũ Ngôn Mồ Hư Không:

Chiếc lá khô ảo diệu
Sắc thu vàng ai điếu
Một bài ca lãng quên
Nghĩa là nhớ vang rền
Sắc thu câm rạng rỡ
Bây giờ là vạn thuở
. . . . . .

Trong “Lục Huyền Âm Tưởng Nhớ Nguyễn Trãi” có chín bài thơ sáu chữ. Khổ thơ đầu của cả chín bài đều cảm thán vụ án oan khuất của Nguyễn Trãi:

1.
Nghẹn ngào âm vọng Quốc Âm
Nghe buốt vai tiếng cổ cầm
Bụi đỏ bay rợp tiếng hát
Ngân một trời lá nhớ mầm
3.
Nghẹn ngào âm vọng Quốc Âm
Trời hoài thai một vết bầm
Đất thương tâm cơn nồng huyết
Gươm khua ma nghiệt rì rầm

Thơ Nguyễn Lương Vỵ
như hơi thở khi nhẹ nhàng, lúc nặng nề, đôi khi cười cợt, lắm lúc khoắc khoải, âu lo… trôi theo cảm xúc nhưng lại tự nhiên, không gò ép khuôn phép của thi pháp cổ điển. Cách xử dụng chữ cùng tinh thần biểu hiện cảm xúc trên con chữ tự do phóng khoáng. Tuy nhiên thơ anh không quá cấp tiến theo phong trào như trào lưu hậu hiện đại của một số nhà thơ cải cách hôm nay. Trong “Bốn Câu Thất Huyền Âm” là kiểu thơ thất ngôn tứ tuyệt. Ý nghĩa bài thơ gói trọn trong bốn câu. Sức cô đọng cao, tầm quảng diễn rộng mới làm người thưởng ngoạn không thấy hụt hẫng, hoặc ấm ức trong lòng. Bốn mươi chín bài thơ “Bốn Câu Thất Huyền Âm” là một trường ca vì 49 bài là 49 khổ thơ của một bài thơ dài, ý nghĩa liên kết với nhau. Một số bài câu cuối khổ trên nối tiếp câu đầu khổ thơ kế. Bài trường ca “Bốn Câu Thất Huyền Âm” là một dòng cảm thán vừa mang tính hoài niệm khi nhớ thương, khi kể lể, khi mong chờ. Nói chung bài thơ mang một âm sắc khá phổ quát, là một chủ đề suốt một cõi thơ nhưng được tác giả khéo léo dùng nhiều thi pháp khác nhau diễn tả:

1.
Ca xang mộng huyễn xanh ngất lời
Sát vai người mà sao chia phôi?!
Mà sao im tím khi lá nở
Em hát ngất âm trầm tím môi…

2.
Vừa khi âm trầm tím môi. Là
Nhạc trầm âm thấm buốt xương da
Không một ai thấy ta vừa chết
Rừng sương câm thương tưởng em. Và…

Hay cảm xúc hoài niệm:

8.
Khi cố cựu trở mình trong ngực
Là thanh tân thức với tri âm
Ngần sương hát, khát tình non nước
Vách khuya im, lắng tiếng thạch cầm…

Đến đây, nếu âm sắc là trò chơi thời gian (cuộc đời tác giả) thì Huyết âm hay Tinh âm cũng là âm bản vở bi kịch tâm thức mà bản thân tác giả viết ra bằng thơ. Đến những tập thơ Năm chữ năm câu, Năm chữ ngàn câu hay Tám câu lục huyền âm vẫn là Âm Vang Sắc Màu xuất phát từ cảm xúc con người nhất được viết theo thể thơ năm và sáu chữ. Bài thơ “Mùa Giáp Hạt” điển hình:

Ngày rớt theo kẻ tay
Tháng rớt theo bóng ngày
Nghe năm cùng tháng tận
Nhìn bóng lửng hình lay
Sắc màu in lắng nở
Âm vang nín lặng bay
Là lúc mùa giáp hạp
Em rớt qua kẻ tay

Ý niệm thời gian đậm nét qua bài thơ trên, Ngày, Tháng, Nghe, Nhìn, Sắc, Âm có đủ trong sáu câu đầu. Ngày tháng là thời gian, Nghe Nhìn thuộc cảm xúc, Sắc Âm là thuộc tính biểu tượng để có câu kết “Là lúc mùa giáp hạt[4]/Em rớt qua kẻ tay” nêu bật sự mất mát, trống rỗng do thời gian mang đến. Dòng chảy thời gian lúc này cũng là dòng chảy tâm thức với bài thơ “Không đề I”nêu bật không thời gian của giấc mộng, có nghĩa thời gian bao trùm mộng mị, cấu trúc cuộc đời hay đúng hơn con người gắn chặt thời gian không những vật chất mà còn cả tinh thần và yếu tính của nó. Tồn tại và thời gian (being and time) là một chủ đề lớn trong triết học Heidegger thì dòng chảy thời gian hiện hữu suốt cõi thơ NLV. Chính Âm Vang Sắc Màu là thuộc tính của dòng tâm thức tồn tại trong dòng chảy thời gian này.

Không Đề I
Nhảy qua một giấc mộng
Nhảy qua một bầu trời
Giấc mộng thì nửa vời
Bầu trời thì lộn ngược
Nhảy qua đời sẫy bước
Úp mặt soi vết thương
Thấy ở cuối con đường
Cầm dương bay áo đỏ
Nhảy qua một trận gió
Gió ôm chân thời gian
. . . . . .

Nhảy qua một tiếng sáo
Sáo buốt lóng xương mây
Thì ra là mộng đầy
Giấc mộng trốn trong mộng!!!...

Chùm thơ “Không Đề” là những trạm dừng chân tâm thức trên dòng chảy thời gian. Những trạm này biểu mẫu cái self tương quan qua cảm thán. Tương quan với chính mình, bạn bè, kỷ niệm, với những mối ám ảnh không rứt ra được, và lập đi lập lại trong suốt một đời thơ. Bài thơ trên với hai câu đầu tiên: Giấc mộng, bầu trời là biểu tượng thời gian và không gian, hai câu kế Giấc mộng thì nửa vời/Bầu trời thì lộn ngược vẫn là chữ Thời (time) và Khoảng cách (space). Hai câu này đặc biệt giống một bài ca vùng sa mạc Tân Cương quan niệm cuộc đời: “Người ta nói trời như cái chậu úp ngược. Chúng ta bò lổn ngổn giữa sinh và tử… đến như nước chảy, đi như gió. Không biết từ đâu đến, cùng về lại chỗ đó!”[5] Bước nhảy này là khát vọng vượt qua vì đời sẫy bước và cú nhảy qua mà chính tác giả xem như một giấc mộng. Nhưng giấc mộng đời như một trận gió, chỉ là mộng trốn trong mộng bởi “gió ôm chân thời gian” có nghĩa vở bi kịch cuộc đời không hề thay đổi được vì “Gò đống bay quá trắng/Đồi núi bay quá xanh/Biển hồn ta quá tanh/Chẳng biết vì sao vậy”? sắc màu vang tiếng trong ba câu thơ để có câu hỏi cuối.

Bài thơ “Không Đề II” khổ thơ 1 với âm sắc “đen trắng” dẫn đến ý niệm “ngày và đêm”, “thức và ngủ” và bước qua khổ thơ 2 diễn tả một “mùa bi âm” với đêm đen nhưng thức trắng. Và khổ thơ 3 là “cuộc biển dâu đen trắng”, ý và nghĩa bài thơ được tác giả đảo lộn qua cách xử dụng chữ nghĩa đen và nghĩa bóng:

Vuông đen ai thức trắng
Cho ta thức với nghen
Đâu cần chi ngọn đèn
Có trời quen soi tỏ
. . . . . .

Khuya chồng lên khuya vắng
Thức trắng cùng vuông đen
Mùa bi âm đá lèn
Vết thương tâm chưa tạnh
Chẳng riêng ai cô quạnh
Ai kia quạnh lắm không
Mùa bi âm ngô đồng
Vết thương tâm chưa dứt
. . . . . .

Trắng tinh ma nhớ bạn
Thức trắng xâu ngàn thâu
Khuya chồng lên khuya sâu
Biển-dâu-đen-với-trắng…

Bài “Không Đề IV” một ám ảnh quá khứ mịt mù xa xăm, nhưng tâm tư tác giả biến thành một hoài niệm giàu tình yêu thương máu mủ ruột thịt và những câu thơ hay đẹp không ngờ: Đâu sắc mây năm cũ/Đâu tiếng cồng mùa xa/Hỏi như là bước qua/Những khuôn hình gió lật. Hay nỗi đau: Mùa xa rêm ký ức/Năm tháng đã lưng đồi/Chiều vẫn rụng và rơi/Rụng và rơi không dứt… Và nhớ: Đứa em về trong gió/Trái gấc chín lung linh/Năm mươi năm tượng hình/Mùa xa chưa tắt nắng. Đến bài thơ “Không Đề VII” tác giả vẽ bức tranh Phố Mùa Thu cùng Âm vang kỷ niệm. Xử dụng hầu như chỉ Âm Sắc: Em hóa thân ngực phố/Hay mùa thu hóa thân/Lá Dương Cầm đưa chân/Hoa vĩ cầm đón mộng … hay: Phố dài hơn vắng im/Em xa hơn bóng chim/Ngã ba nhòe tiếng gọi/Mộ lòng ta chợt hỏi/Phố xanh chưa hồn rêu … Khổ thơ thứ ba: Sonata ngợp phố/Phố ướt đẫm dư vang/Không gian tan tan tan/Chìm chìm chìm tĩnh vật.

Bài thơ “Âm Cuối Thu” đúng là vệt nắng lụa, nốt nhạc êm đềm dịu dàng nổi bật trong khu rừng thơ tán thán cuộc nhân sinh một cách cuồng nộ của các bài Không Đề.

Chiêm bao màu nắng lụa
Hửng sáng ửng một đóa
Cúc vàng đang ngậm sương
Tóc bạc vừa níu gió
Câu thơ hẹn cuối đường
Nét nhạc rung song cửa
Hỏi ta vui hay buồn?
Theo nắng sáng xuống phố!

Bài thơ “Sông Khóc” là một tự sự điển hình với lần quay về quê nhà, ngồi trên sông nhớ một thời tuổi dại, một đời “tuyệt bi âm” với những lần ra đi rồi quay về. Dòng sông trôi là dòng thời gian đưa đẩy dòng đời cùng âm vang tiếng khóc cho bao hợp tan, ly biệt:

Sông trôi nghe sông khóc
Ta đi nghe ta trôi
Một chút nắng xa xôi
Chân dung người khuất mặt
Sông khóc âm trong vắt
Mạn thuyền im vết thương
Dấu môi lạnh dấu hương
Dấu chân tìm tuổi dại
. . . . . .

Dòng thời gian chuyên chở bao nghiệt ngã, đắng cay mà nỗi ngậm ngùi cuốn tác giả trôi theo dòng sông dĩ vãng. Thực tại không dừng lại vì sông khóc nghe sông trôi/ta đi nghe ta khóc… khiến nỗi niềm biến thành dòng chảy xúc cảm, vực trở lại những nổi đau ngày trước nhưng chưa phải dừng lại mà còn kéo dài tưởng chừng không dứt:

Ta trôi nghe ta đi
Choàng vai năm tháng cũ
Lá khô rơi tiếng hú
Chiều xa động đáy mồ

Khổ thơ thứ hai làm người đọc cảm giác sông chính là niềm đau và niềm đau trong lòng này bao trùm thực tại: con phố, hàng cây, núi non, mây trời … và âm vang của nó chính là tiếng khóc của một dòng sông, của một tấm lòng, của một đời người cô quạnh:

Tuổi dại đã bay đi
Dấu hương tìm đâu thấy
Thương tâm cành khô gãy
Mùa chiêm bao âm thầm
. . . . . .

Chiều rơi rơi rơi rơi
Sông trôi nghe sông khóc
Ta đi nghe ma đọc
Búng huyết tuyệt bi âm
Chiều trầm trầm trầm trầm
Chùa xa chuông thở nhẹ
Cây già nua nhắc khẽ
Sông khóc nghe sông trôi
Đáp lời em sông ơi
Ta đi nghe ta khóc…

Bài thơ trên cũng là điển hình thi pháp của Nguyễn Lương Vỵ. Tôi muốn nói cách diễn tả cảm xúc của anh không chỉ thể thơ năm chữ mà còn ở mọi thể loại thơ khác. Luôn đa nghĩa, đa âm, giàu bóng hình ảnh tượng khiến Âm Vang Sắc Màu trở thành đặc thù cõi thơ anh. Tóm lại, Nguyễn Lương Vỵ đã viết cuộc đời mình bằng thơ. Thơ anh phản ánh trực tiếp cuộc đời theo thứ tự thời gian (chronological). Trong cuộc đời mình nhiều biến cố bi thảm xảy ra và dù điều này tỏ lộ hầu hết trong các bài thơ, thơ anh vẫn một mực bền vững tình cảm hi vọng vào cuộc sống. Tuy anh không ngần ngại bày tỏ xúc cảm trong những bài cảm thán, đặc biệt trong những tập thơ mang chữ Âm như Hòa âm, Huyết âm, Tinh Âm, Lục Huyền Âm … nhưng nội dung trình bày sâu sắc phần tâm tư tiếp giáp từ đáy vô thức xuất hiện lên cõi ý thức thông qua một giai đoạn trong hành trình cuộc đời. Anh cũng đặc biệt viết nhiều bài thơ Kỷ Niệm: Kỷ niệm với người thân, bạn bè, các di tích anh từng đã đi qua và cảm hứng từ tiền nhân, sự kiện lịch sử hay những nhà thơ lớn đi trước.

Tuy nhiên Tuyển tập thơ (1969-2014) chưa phải là toàn thể sự nghiệp thi ca của Nguyễn Lương Vỵ. Trong khi tôi viết bài này, anh cho biết đang chuẩn bị xuất bản tập thơ thứ mười hai. Bởi điều kiện sức khỏe đã hạn chế sức sáng tác của anh như đã nói ở trang đầu, nhưng bằng vào nhiệt tình đam mê anh vẫn tiếp tục làm thơ và dịch thuật thơ cổ (đã in tập Thơ Trần Nhân Tông và đang dịch tập thơ chữ Hán Nguyễn Trãi). Sự nghiệp thi ca Nguyễn Lương Vỵ không những đã đóng góp đáng kể vào gia sản thi ca dân tộc mà còn là một phần di sản quí giá của văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Tháng 5/2019
Lê Lạc Giao
___________
[1] “Amor fati: let that be my love henceforth! I do not want to wage war against what is ugly. I do not want to accuse; I do not even want to accuse those who accuse. Looking away shall be my only negation. And all in all and on the whole: some day I wish to be only a Yes-sayer”. (Nietzsche – The Gay Science)

[2] Courage as a human act, as a matter of valuation, is an ethical concept. Courage as the universal and essential self-affirmation of one's being is an ontological concept. The Courage to Be – Paul Tillich
[3] Hệ thống cơ cấu lý thuyết về mối quan hệ giữa ý thức và vô thức trong quá trình tâm lý.
[4] Mùa Giáp Hạt: Thời gian con người làm nông sống khó khăn, vì vụ mùa trước đã chấm dứt và lương thực cạn mà mùa sau chưa thu hoạch được.
[5] Nhân thuyết thiên vũ thị cá phúc bồn, ngã môn bồ bặc trứ tại sinh tử… Lai như lưu thủy hề, thệ như phong. Bất tri hà lai hề, hà sở chung!

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.894 giây.